Kiểm lâm địa bàn - Lực lượng nòng cốt trong bảo vệ rừng

01/07/2018 07:04

​Trong hệ thống cán bộ, công chức kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm địa bàn phụ trách ở các xã là lực lượng nòng cốt tham mưu giúp chính quyền xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp và bảo vệ rừng “tại gốc”.

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, xác định kiểm lâm địa bàn là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và ngành Nông nghiệp, Chi cục bố trí mỗi xã có rừng một kiểm lâm địa bàn. Để lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm lâm địa bàn về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đồng thời, để kiểm soát hoạt động của kiểm lâm địa bàn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động đội ngũ kiểm lâm địa bàn, về công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương; tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo UBND xã tạo điều kiện nơi ăn, ở và làm việc cho kiểm lâm địa bàn.

Qua kiểm tra và đánh giá, kiểm lâm địa bàn xã kịp thời tham mưu cấp uỷ, chính quyền xã triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng; phối hợp với các ngành thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng...

Các hoạt động nổi bật trong công tác tham mưu của lực lượng kiểm lâm địa bàn thể hiện ở việc xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng; quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất mộc dân dụng, các trại nuôi động vật hoang dã; phối hợp mở các cuộc tuần tra, truy quét tại các “điểm nóng” phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; thành lập các chốt chặn tại các điểm đầu mối ngăn chặn không để xảy ra các hành vi phá rừng, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với các đơn vị chủ rừng tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức bảo vệ rừng đối với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý; định kỳ hàng năm tham mưu UBND xã phối hợp nghiệm thu kết quả công tác quản lý bảo vệ rừng của các cộng đồng nhận khoán.

Kiểm lâm địa bàn phối hợp với Đội kiểm lâm cơ động và các lực lượng huyện Ia H'Drai xác xác định điểm nóng bảo vệ rừng. Ảnh: V.N

 

Thông qua các hoạt động trên của kiểm lâm địa bàn, nhiều nơi chính quyền và các lực lượng xóa được những “điểm nóng” phá rừng, khai thác, cất giấu và vận chuyển lâm sản trái phép hay hạn chế các hành vi xâm hại rừng. Mặc dù tình hình khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép chưa thể ngăn chặn triệt để, nhưng ở một số hành vi như phá rừng làm nương rẫy trái phép, hoặc cháy rừng… trong những năm gần đây giảm nhiều hơn so với những năm trước. Cụ thể, năm 2017, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 2,13ha (17,6%) so với năm 2016; mùa khô năm 2016-2017 không để xảy ra cháy rừng (trong khi mùa khô năm 2015-2016 xảy ra cháy trên 100ha cao su và 5,5ha rừng).  

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, lực lượng kiểm lâm địa bàn ở một số nơi vẫn còn những tồn tại như: Chưa chủ động nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; việc sử dụng vi tính, máy định vị, bản đồ số…còn lúng túng. Một số kiểm lâm địa bàn cao tuổi, không còn xông xáo, sức khỏe kém, việc đi rừng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình quản lý, một số kiểm lâm địa bàn có biểu hiện giấu giếm hoặc báo cáo không trung thực tình hình vi phạm lâm luật vì sợ liên đới trách nhiệm… gây tác động xấu đến công tác bảo vệ rừng.  

Khắc phục những tồn tại này và tiếp tục phát huy những mặt mạnh của kiểm lâm địa bàn trong việc tham mưu chính quyền địa phương bảo vệ, phát triển rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng ở tỉnh sẽ có những chuyển tích cực hơn.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác