Khuyến học thúc đẩy sự học

05/10/2023 06:34

Mục tiêu của khuyến học là thúc đẩy xây dựng một xã hội học tập, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính.
Xã hội học tập bắt đầu từ mỗi công dân học tập. Ảnh: HL

 

1.Truyền thống giáo dục qua hàng ngàn năm lịch sử đã kết tinh nên những giá trị tốt đẹp, hiếu học, tôn sư trọng đạo, là nhân tố quan trọng kiến tạo nên trí tuệ, đạo đức, nền văn hoá Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển trường tồn và vinh quang của dân tộc.

Với triết lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ của đất nước mới giành độc lập đã lập tức mở các lớp học xóa mù chữ cho mọi người dân. Từ đó đến nay, xóa mù chữ và nâng cao trình độ dân trí luôn là quốc sách hàng đầu.

Kết quả là, sau Cách mạng Tháng Tám, có tới 95% dân số Việt Nam mù chữ. Nhưng đến tháng 9/2023, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là 98,85% và 97,29%. Cả 63/63 tỉnh, thành đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 48/63 tỉnh đạt mức độ 2.

Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi đáng kinh ngạc này bắt nguồn từ 3 yếu tố cơ bản: Một là, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, địa phương trong việc đầu tư, xây dựng một hệ thống giáo dục đủ để phục vụ việc học tập suốt đời của công dân; hai là phong trào khuyến học, khuyến tài lan rộng, ăn sâu vào cuộc sống; ba là ý thức tự học của người dân.

Trong đó, công tác khuyến học như là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 122/TTg về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam đã chính thức ra mắt.

Đến ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2/10 hằng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam, với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đồng thời tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, sự ra mắt toàn dân về một tổ chức hội có tính chất thúc đẩy sự học của toàn dân tạo không khí phấn khởi không chỉ cho những người đam mê với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, còn mang lại một niềm hân hoan, phấn khởi cho tất cả đối tượng, đặc biệt là người nghèo.

Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm qua đã xác lập triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học.

Thông qua những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực của Hội như: “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị”, “Tiếp sức cho em đến trường”, “Vì em hiếu học”, “Chắp cánh ước mơ”, “Mái ấm khuyến học”, “Trao gửi yêu thương”; các mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Tiếng trống, tiếng kẻng khuyến học”, “Giờ vàng khuyến học” đã bắt nguồn và khơi dậy được tinh thần hiếu học trong mỗi người dân.

2.Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum được thành lập vào ngày 26/7/2001. Đến nay, trải qua 22 năm hoạt động, tuy có nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, xây dựng hội, nguồn kinh phí hoạt động, nhưng Hội Khuyến học tỉnh đã luôn nỗ lực tạo cơ hội, sự bình đẳng trong học tập cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ người khuyết tật, người nghèo đến người giàu, từ người già đến trẻ nhỏ.

Đến nay, mạng lưới tổ chức hội khuyến học đã phủ kín 102/102 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện thành phố. Tổng số hội viên toàn tỉnh là 72.273 người đạt 12,82% dân số.

Được giao thực hiện 5 mô hình học tập: “Gia đình học tập,” “Dòng họ học tập,” “Cộng đồng học tập,” “Đơn vị học tập” và nòng cốt là mô hình “Công dân học tập”, đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 71.457/137.645 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình họ tập”, 88/272 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 533/767 thôn (làng, tổ dân phố) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” và 406/516 đơn vị học tập ở cơ sở được công nhận danh hiệu “Đơn vị học tập”.

Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội; sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bắt rễ vào mỗi gia đình, thôn làng, xã, cộng đồng dân cư, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển rộng và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Sau giải phóng (tháng 4/1975), tỷ lệ người mù chữ ở tỉnh rất cao, đa số đồng bào DTTS không biết chữ. Nhưng đến năm 2002, đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 7 huyện, thị với 82 xã; tỷ lệ người biết chữ chiếm 85%. Đến nay, hầu hết trẻ em trong độ tuổi học phổ thông đều được đến trường; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.

Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người. Ảnh: HL

 

3.Ngày 2/10, cũng là Ngày khuyến học Việt Nam, bố tôi trao thưởng khuyến học cho con cháu. Đây là việc làm được ông duy trì nhiều năm qua, với phần thưởng bằng hiện vật, cũng có thể bằng tiền, trích từ lương hưu ít ỏi ông dành dụm được.

Ban đầu, khi cuộc sống còn khó khăn, ông chỉ thưởng cho các con, chủ yếu là vài cuốn sách truyện, hoặc cái cặp mới. Sau này, kinh tế ổn hơn, ông thưởng đến các cháu họ, rồi danh sách nhận thưởng khuyến học của ông ngày càng mở rộng ở thế hệ thứ 3, thứ 4.

Thành ra, quỹ khuyến học của ông thường thâm hụt. Và chúng tôi bí mật tài trợ cho quỹ ấy, thông qua mẹ mình.

Ngày trao thưởng bao giờ cũng là ngày vui nhất. Kể cả năm nay, khi sức khỏe của ông đã yếu nhiều. Những đứa cháu ở xa đều được ông chuyển tiền cho bố mẹ chúng để trao thưởng.

Bố tôi cũng có tư tưởng khuyến học hơi… khác. Ông không chỉ khen thưởng con cháu học hành khá, giỏi, đậu đại học, mà cả những đứa “rẽ ngang”, theo học nghề. Thậm chí, ông còn khuyến khích một số cháu có năng khiếu, có đam mê theo đuổi nghề mình thích.

Hàng năm, ông đều có phần thưởng cho các cháu học nghề. Bởi theo ông thì “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, chỉ có không chịu học mới đáng phê bình, còn học nghề, thông thạo nghề và kiếm sống lương thiện từ nghề đều đáng quý.

Hẳn rằng, bố tôi không thể định nghĩa một cách bài bản “khuyến học” là gì? Nhưng, như bất cứ người cao tuổi nào trong các gia đình, dòng họ hay cộng đồng, ông hiểu cần phải vận động, khuyến khích con cháu mình, người xung quanh mình, ở mọi độ tuổi học tập thường xuyên, học suốt đời để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả hơn, cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn.

Mục tiêu của khuyến học là thúc đẩy xây dựng một xã hội học tập, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính.

Khuyến học mang lại lợi ích dài lâu, bền vững cho mỗi công dân, cho cộng động và xã hội. Nơi nào làm khuyến học, khuyến tài tốt, diện mạo và chất lượng sống của công dân cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ, tích cực.

Nhưng khuyến học cũng cần phải có phương pháp và hướng đi phù hợp với tình hình thực tế. Không phải cứ đến trường lớp, tuần tự hết THPT thì vào cao đẳng, đại học mới là khuyến học, mà còn có học nghề, và khuyến khích tự học.

Ví dụ như, ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, không nhất thiết phải học địa học bằng mọi giá, mà khuyến khích phát triển học nghề, hỗ trợ người dân học được nghề mới tại các trung tâm, đơn vị dạy nghề, từ đó đem lại sự thay đổi về năng suất lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân.

Tất nhiên, muốn như vậy, không chỉ dựa vào gia đình học tập, dòng họ học tập, hay cộng đồng học tập, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Hội Khuyến học cũng cần có đội ngũ cán bộ chuyên làm khuyến học, có kinh nghiệm, nhiệt tình và uy tín khi làm khuyến học, để có thể lan tỏa và lôi cuốn người dân tham gia.

Hồng Lam

Chuyên mục khác