Khúc mắc nước sinh hoạt

11/07/2023 06:17

Bất bình, khúc mắc, lên án công ty cấp nước và tẩy chay họ là chuyện dễ. Khó nhất là tìm lời giải cho câu hỏi lấy nước từ đâu để sinh hoạt.

“Mua nước sạch dùng nước bẩn” đang là đề tài được quan tâm nhất, gây bức xúc nhất ở xóm tôi những ngày qua.

Lần thứ 2 trong vòng nửa năm, tôi phải thay bộ lọc, và thuê thợ vệ sinh bồn nước. Sau khi xả hết nước trong bồn, cậu thợ leo lên thang nhìn xuống và kêu “ối giời ơi” luôn. Khiếp, cặn bẩn lắng cả khúc thế này. Bao lâu rồi anh chưa súc bồn vậy- cậu ta la toáng lên, nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ.

Trong khi đó, tôi còn phải đón tiếp hàng xóm, với gương mặt cau có, ức chế, đến phàn nàn về tình trạng nước máy “bẩn hơn nước sông”. Do nghề nghiệp, nhiều người tin rằng tôi có thể giúp họ giải quyết vấn đề.

Nỗi ám ảnh nước máy bẩn trong mùa mưa. Ảnh: HL

 

Để an ủi họ, cũng là tự an ủi mình, tôi thông tin rằng, theo đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum, nước sinh hoạt cấp cho người dân bị cặn, đục có thể là do trong quá trình thi công tuyến ống cấp nước có đường ống bị bể, hoặc do súc xả định kỳ bể chứa.

Tựu trung lại, theo đại diện doanh nghiệp, chất lượng nước vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép. Đồng thời ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân, và sẽ cho kiểm tra kỹ quá trình vận hành hệ thống nhằm bảo đảm chất lượng nước.

Tất nhiên là những hàng xóm tốt bụng của tôi chỉ có thể lắng nghe và chấp nhận (một cách cam chịu) những gì tôi kể lại, bởi họ không có lựa chọn nào khác.

Trên thực tế, tình trạng “nước máy bẩn hơn nước sông” không phải mới phát sinh, mà năm nào cũng có. Đặc biệt là vào mùa mưa, nước cứ ngày đục ngày trong.

Có quá nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng nước sinh hoạt ở thành phố Kon Tum. Đại loại như nước sinh hoạt có thực sự sạch? Những yếu tố nào có thể tác động đến chất lượng nước? Quy trình giám sát chất lượng nước sinh hoạt của Kon Tum do đơn vị nào chịu trách nhiệm và thực hiện ra sao?

Và không có gì bất ngờ khi người dân khó, nếu không muốn nói là không thể, tìm được câu trả lời.

Điều đáng nói là, dù nghi ngờ chất lượng nước sinh hoạt, song người dân lại không thể tìm kiếm được những thông tin chất lượng nước của các cơ quan chức năng ở đâu.

Nếu có đến Công ty Cấp nước để yêu cầu trả lời, thì cũng sẽ nhận được câu trả lời chung rằng, nguồn nước chính được lấy từ sông Đăk Bla, qua các bước xử lý, kiểm nghiệm theo quy định mới đưa nước sạch đến cho người dân.

Rằng, trong quá trình xử lý nước luôn có bộ phận hóa nghiệm kiểm tra kỹ lưỡng, nghiêm ngặt từng khâu để đảm bảo chất lượng. Định kỳ hàng tháng và 3 tháng, các cơ quan chuyên môn lấy mẫu giám sát định kỳ để kiểm tra chất lượng nguồn nước.

Bất bình, lên án công ty cấp nước và tẩy chay là chuyện dễ. Khó nhất là tìm lời giải cho câu hỏi lấy nước từ đâu để sinh hoạt. Trước thực trạng trên, người dùng có 3 phương án giải quyết.

Không nhiều gia đình có điều kiện khoan giếng. Ảnh: H.L 

 

Một là, tự đào giếng, hoặc khoan giếng lấy nước dùng, tất nhiên là chi phí không hề thấp; sau đó hàng tháng trả thêm khoản tiền điện bơm nước. Hai là, lắp thêm hệ thống lọc nước ngay từ đầu nguồn trước khi đưa vào bồn. Và ba là, tiếp tục… dùng nước máy như cũ, chịu đựng cảnh “ngày trong ngày đục”.

Ít nhất ở xóm tôi, hầu hết gia đình phải chọn phương án này!

Nhìn rộng ra, cũng chi số ít gia đình có điều kiện kinh tế, và các điều kiện khác, quyết định đầu tư khoản tiền không nhỏ để khoan giếng.

Một số gia đình thì xây bể lọc tại nhà, dùng than, cát và sỏi để loại trừ các tạp chất hữu cơ, chất bẩn và vi sinh trong nước. Hoặc mua các loại bồn lọc nước. Tuy vậy, chỉ sau vài tháng bùn đất đã bám chặt vào hệ thống lọc hoặc lõi lọc nước.

Rõ ràng trong “cuộc chơi” này, người sử dụng nước máy đang thất thế, không thể có chuyện hôm nay nước đục thì ngày mai bạn đổi nhà cung cấp luôn.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao tình trạng người dân phải dùng “nước bẩn” luôn tái diễn năm này qua năm khác?

Nhiều ý kiến cho rằng, câu trả lời nằm ở sự bất cập trong quản lý hoạt động cung cấp nước sinh hoạt hiện nay. Đó là thiếu một quy chuẩn cụ thể để đảm bảo rằng, mọi sự vận hành đều được tuân thủ theo một khung thống nhất, trong đó xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên có liên quan, cũng là căn cứ để xử lý vi phạm khi có sự cố xảy ra.

Hạn chế này dẫn đến hậu quả là nhà máy nước “một sân một bóng”, muốn “đá” thế nào cũng được.

Muốn khắc phục tình trạng trên, khâu kiểm soát chất lượng nguồn nước nguyên liệu dùng cho các nhà máy nước, kiểm soát quy trình xử lý nước và hệ thống truyền dẫn nước để đảm bảo chất lượng nước thành phẩm cung cấp đến khách hàng của các cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước là đặc biệt quan trọng.

Theo đó, cơ quan chức năng phải giám sát từ nguồn nước đầu vào, như quan trắc kiểm tra, theo dõi thường xuyên diễn biến chất lượng nước, môi trường nước tại lưu vực sông và khu vực thu nước, đồng thời kiểm soát các khâu xử lý nước, nước sau xử lý và mạng lưới phân phối.

Về phần mình, đơn vị cung cấp nước phải có sự tái đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa vận hành thiết bị; kiểm soát chất lượng trong từng khâu xử lý như lắng lọc, bể chứa, mạng lưới phân phối; duy tu, sửa chữa thay thế đường ống cũ kịp thời để bảo đảm chất lượng nước.

Đặc biệt, cần công khai minh bạch về trách nhiệm của các ngành có liên quan trong kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt. Nhất là ngành Y tế cần kiểm soát tốt việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.   

Hồng Lam

Chuyên mục khác