Khu vui chơi, giải trí cho trẻ em: ​Vừa thiếu, vừa hoạt động chưa hiệu quả

18/07/2018 13:08

​5 năm trở lại đây, các cấp và các ngành đã quan tâm sửa chữa, xây dựng mới các hạng mục đầu tư về thiết chế văn hóa (như công trình nhà văn hóa, nhà rông, sân thi đấu đa năng) đáp ứng sinh hoạt cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trong tổng thể diện tích trên, các địa phương chưa chú ý bố trí khu vực riêng dành cho trẻ em vui chơi, giải trí an toàn. Điều này dẫn đến thực tế trẻ em ở thành phố lẫn vùng nông thôn “khát” nơi vui chơi, giải trí lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi...

Chưa bố trí khu vực riêng cho trẻ em

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 1 thành phố và 9 huyện, nhưng chỉ có 1 Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh là công trình của nhà nước quản lý tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, còn lại ở các địa phương gần như trẻ em sinh hoạt chung với người lớn trong không gian nhà văn hóa, hội trường, sân thể dục thể thao tại khu dân cư.

Minh chứng cho điều này, phóng viên Báo Kon Tum đã về xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) - địa phương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 4/2015. Tại đây, thiết chế văn hóa có đủ 1 hội trường văn hóa cấp xã, 1 sân thi đấu đa năng trung tâm của xã; ở 5 thôn đều có hội trường (hoặc nhà rông), sân bóng đá, bóng chuyền ngoài trời sử dụng chung toàn dân.  

Sân thể dục thể thao ở thôn Thanh Trung, xã Vĩnh Quang chưa được đầu tư, nhưng trẻ em vẫn tự tìm tạo sân chơi cho riêng mình. Ảnh: M.T

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Yên - Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết nói: Toàn xã có 4.300 hộ, trong đó trẻ em trong độ tuổi đi học gần 2.000 em. Hiện tại, xã có đầy đủ thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa cho nhân dân, nhưng công trình sinh hoạt, vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em thì không có. Đa phần trẻ em ở khu dân cư tìm nơi giải trí là sân bóng đá ngoài trời ở đầu thôn. Mùa hè đến, trẻ em thường đến nhà rông sinh hoạt hè 2-3 lần/tuần.  

Ông Yên còn nhận xét: Tôi đánh giá 3 năm xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới vẫn chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư. Các nhà văn hóa, nhà rông ở khu dân cư được đánh giá công tác quy hoạch và xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Thế nhưng, nơi đây chủ yếu phục vụ họp dân vài tháng một lần để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ở các thôn, sân bóng đá, bóng chuyền rất ít được chăm sóc và tổ chức hoạt động thể dục thể thao cho nhân dân, nên gần như bỏ hoang. Ngay như sân đá bóng lớn phía sau trụ sở UBND xã có diện tích hơn 2.000m2 được xây dựng giáp ranh với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong năm học, học sinh thường đến sân bóng để chạy nhảy, đá banh, đánh bóng chuyền, nhưng mùa hè về, các em nghỉ học, sân thể thao này vắng bóng người, cỏ mọc um tùm...

Trong khi đó, về xã Vinh Quang – địa phương đang nỗ lực phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2019, Chủ tịch UBND xã A Hậu ca thán, thiết chế văn hóa nơi đây đầu tư trước năm 1980 đã xuống cấp, không đáp ứng sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân, bao gồm cả trẻ em.

Theo ông Hậu, toàn xã có khoảng 2.500 hộ đang sinh sống ở 6 thôn, trong đó 4 thôn đều có hội trường. Song các hội trường đều có diện tích nhỏ dưới 40m2, chỉ đủ chỗ ngồi cho 30 - 40 người, trong lúc mỗi thôn có 100 - 120 hộ dân. Qua khảo sát, các hội trường cũng đã xuống cấp, không thể cải tạo, hay sửa chữa. Mỗi khi thôn tổ chức họp, các hộ đều phải luân phiên đi dự. Bên cạnh đó, mỗi thôn đều có sân bóng đá ngoài trời do nhân dân tự làm, chưa được đầu tư quy hoạch, xây dựng.

“Khó khăn của xã như vậy, thì càng không có địa chỉ sinh hoạt, vui chơi của trẻ nhỏ. Thời điểm hè, trẻ em thiếu nơi giải trí sẽ tìm đến các tụ điểm kinh doanh trò chơi điện tử. UBND xã đã chỉ đạo cán bộ Văn hóa xã hội đi kiểm tra, báo cáo có 2/12 điểm kinh doanh trò chơi game trực tuyến chưa đăng ký giấy phép hoạt động và đa phần khách hàng là trẻ em. Xã đã có văn bản báo cáo UBND thành phố đề xuất hướng tăng cường kiểm tra giờ giấc hoạt động của các cửa hàng này. Mặt khác, cũng đề nghị Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động bổ ích cho thanh thiếu nhi ở khu dân cư” - ông Hậu nói.

Huy động các nguồn lực

Toàn tỉnh có 1 Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh do Tỉnh đoàn quản lý; trên địa bàn 10 huyện, thành phố Kon Tum chưa có công trình vui chơi, giải trí nào dành riêng cho trẻ em, do nhà nước đầu tư quản lý. Đối với hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo có khoảng 600 trường học mầm non đến phổ thông đạt chuẩn quốc gia được trang bị các thiết bị đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em như: xích đu, cầu trượt, bập bênh, nhà thi đấu đa năng, sân thể dục thể thao đa năng, hội trường, thư viện…

Tuy nhiên, thực tế quan sát của phóng viên, vào dịp nghỉ hè, hầu hết không gian vui chơi ở trường học đều vắng học sinh. Trong khi về khu dân cư, các em lại thiếu sân chơi. Nhiều phụ huynh đã tìm đến Nhà thi đấu đa năng (của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hoặc Nhà Văn hóa của Liên đoàn Lao động tỉnh, và Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh, để đăng ký (có đóng tiền) cho con em tham gia: các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu cầu lông, bóng bàn, đá bóng, dạy võ thuật, múa… Theo các bậc cha mẹ, đây xem như một hình thức xả stress cho các em sau những ngày miệt mài học tập ở trường lớp.

Vẫn theo đánh giá của ngành chức năng, các địa chỉ trên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nhỏ vui chơi, giải trí cho trẻ em ở vùng thuận lợi, có cuộc sống kinh tế ở các gia đình khá giả. Đối với các địa phương vùng xa, vùng sâu có công trình xây dựng lồng ghép như nhà văn hóa, hội trường xã (phường, thị trấn) đều phục vụ văn hóa, giải trí tinh thần chung cho trẻ em, nhưng lại thiếu các thiết bị vui chơi phù hợp lứa tuổi, nên chưa thu hút được các em đến sinh hoạt.            

Tháng 5/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 22/2017/QĐ-UBND về quy định mức đạt chuẩn bộ tiêu chí về xã nông thôn mới đối với từng khu vực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, trong đó có nội dung: cơ sở vật chất văn hóa của xã đạt chuẩn phải đảm bảo có nhà văn hóa, hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao của toàn xã. Chú ý, tổng thể diện tích trên phải bố trí khu vực riêng dành cho vui chơi, giải trí an toàn (nếu có bể bơi) cho trẻ em.

Chỉ đạo của tỉnh đã có, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Để trẻ em trên địa bàn tỉnh có được sân chơi, địa điểm vui chơi giải trí như mong muốn rõ ràng không phải là chuyện một sớm một chiều. Nên chăng, các cấp, các ngành sớm kiểm kê, rà soát lại hệ thống sân chơi trẻ em hiện có, kịp thời khắc phục các tồn tại, hướng đến sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, các ban, ngành cần phối hợp với địa phương tranh thủ các nguồn lực huy động để quy hoạch, xây dựng một số điểm vui chơi ở nhà văn hóa, cụm dân cư cho các trẻ em; thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ, sân chơi lưu động, các buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao để các em có cơ hội được giao lưu, giải trí lành mạnh.

Mai Trâm

Chuyên mục khác