Khu vui chơi cho trẻ em vẫn còn những bất cập

30/06/2018 08:05

​Những năm trở lại đây, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Kon Tum đã mở khu vui chơi trẻ em với đa dạng các trò chơi để đáp ứng nhu cầu giải trí của thiếu nhi, nhất là trong những ngày hè. Các cơ sở được mở ra ngày càng nhiều, tuy nhiên, công tác quản lý vẫn bị xem nhẹ, buông lỏng.

Nhiều địa điểm vui chơi

Khu vui chơi trẻ em của hộ ông Nguyễn Tấn Đức ở địa chỉ 700 Phan Đình Phùng (gần bùng binh Duy Tân) rộng khoảng 1.200m2, với đa dạng các trò chơi: tàu lửa, đu quay, thú nhún, tô tượng, patin, nhà phao, câu cá…

Vào ngày hè, nơi này trở thành điểm lựa chọn thú vị của rất đông các em nhỏ trên địa bàn thành phố cũng như các huyện. “Chúng tôi mở cửa từ 19h-21h hàng ngày. Giá ở đây bình dân nên những ngày trời đẹp, đông các cháu đến chơi” – ông Đức cho biết.

Mấy năm nay, con chị Nguyễn Thị Phương, phường Ngô Mây là khách hàng quen thuộc của khu vui chơi này. Chị cho biết, cứ thứ Bảy, Chủ nhật chị lại chở con xuống cho cháu vui chơi, giải trí. “Xuống đây có nhiều sự lựa chọn trò chơi nên cháu rất thích. Hầu như tuần nào tôi cũng chở cháu đi” – chị Phương nói.  

Các khu vui chơi trẻ em dọc đường Nguyễn Sơn (đoạn gần Quảng trường 16/3), cũng trở thành điểm đến của đông đảo các cháu thiếu nhi. Để thu hút, ngoài tiếng nhạc vui nhộn và đèn màu gây chú ý, các điểm vui chơi cũng trang bị đa dạng các trò chơi phù hợp với nhiều lứa tuổi:  trượt patin, ô tô điện, xe xích lô, câu cá, xe điện cân bằng…

Các khu vui chơi thu hút đông đảo các em thiếu nhi. Ảnh: B.A

 

Bên cạnh các khu vui chơi ngoài trời, vào những ngày mưa, các khu vui chơi trong nhà cũng trở thành sự lựa chọn của nhiều phụ huynh, thiếu nhi. “Các khu vui chơi trong nhà dù hơi chật hẹp nhưng sạch sẽ, an toàn hơn. Nhất là những ngày mưa, không sợ bị trơn trượt”– chị Phạm Thị Hoài, một phụ huynh ở phường Thắng Lợi lựa chọn.

 Tiềm ẩn những hiểm họa

Theo quan sát của phóng viên, tại các khu vui chơi ngoài trời, các dụng cụ, máy móc, đồ chơi đa số sử dụng bằng điện, bằng pin; nhiều đồ chơi đã bị hoen rỉ, cũ kĩ. Vào những ngày mưa, các thiết bị, đồ chơi vẫn được đặt ngoài trời và chỉ che phủ bằng những tấm bạt. Có nhiều trò chơi còn để phơi nắng, phơi mưa, nguy cơ rò rỉ điện rất cao.

Giải thích về hiểm họa từ chập điện trên các thiết bị, đồ chơi, ông Đức cho biết: Chúng tôi đã lắp đặt, nếu có sự cố về điện, nguồn điện sẽ tự động ngắt, nên không gây ảnh hưởng. Hơn nữa, các thiết bị, dụng cụ đều được lau khô, sạch sẽ trước khi đưa vào vận hành...

Cùng với đó, đối với trò xe lửa, đu quay, ông cho biết, khi có sự cố, máy sẽ ngưng hoạt động và đảm bảo an toàn cho các cháu thiếu nhi. Ông cũng khẳng định, đa số các thiết bị, máy móc đều có tốc độ chuyển động rất chậm, dưới 3m/giây nên không gây nguy hiểm.

Một hộ kinh doanh khu vui chơi trên đường Nguyễn Sơn cho biết, thực chất địa điểm kinh doanh tại đường Nguyễn Sơn, tuy nhiên, vì diện tích chật hẹp nên khoảng sau 20h, chiều lòng khách hàng, bà chuyển xe ô tô điện cũng như xích lô sang quảng trường cho rộng rãi, thoải mái. “Xe điện này nếu để dính mưa là mạch bị chập, cháy mô tơ ngay” – bà nói.

Bà cho biết, các thiết bị, máy móc được nhập từ Thành phố Hồ Chí Minh về. Nói về độ an toàn cho trẻ khi chơi, bà khẳng định: Chúng tôi chỉ hoạt động khi trời ráo tạnh thôi, mưa lắc rắc chúng tôi liền tủ xe lại ngay, không dám cho chơi, sợ chập điện, hư xe. Hơn nữa, nếu xe hư, sẽ ngưng chạy, không ảnh hưởng đến các cháu.

Cũng như ông Đức, bà nói rằng, các thiết bị, đồ chơi của bà có tốc độ rất chậm, đảm bảo an toàn cho người chơi.

Đó là những giải thích từ các hộ kinh doanh trò chơi, tuy nhiên thực tế, rất khó lường trước những tiềm ẩn từ chập điện, trơn trượt… tại các khu vui chơi này. Tuy nhiên, điều đáng bận tâm, các xã, phường vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc kiểm tra, quản lý các khu vui chơi.

Hiện nay, theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố, có tất cả 18 hộ đăng kí kinh doanh khu vui chơi trẻ em. Ngoài ra, vẫn còn nhiều các hộ kinh doanh “chui”, chưa đăng ký giấy phép kinh doanh.

Về việc quản lý các khu vui chơi, Phòng Văn hóa thông tin thành phố cho rằng việc quản lý là do các phường, còn Phòng Văn hóa thông tin không có trách nhiệm(!?) Trong khi đó, hầu hết các phường chỉ nắm các cơ sở kinh doanh chứ chưa tiến hành phối hợp kiểm tra.

Thực tế trên địa bàn tỉnh chưa có tai nạn nào nghiêm trọng tại các khu vui chơi. Tuy nhiên, không vì thế mà các cấp, các ngành lơ là việc quản lý, kiểm tra, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bình An

Chuyên mục khác