Không thể thờ ơ với an toàn lao động

24/05/2017 08:06

​Theo đánh giá của các ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xem nhẹ vấn đề an toàn lao động, quá trình sản xuất kinh doanh thường tổ chức ở không gian nhà xưởng chật chội; hàng hóa, nguyên vật liệu chưa được sắp xếp trật tự, hệ thống phòng chống cháy nổ chưa đảm bảo an toàn, ẩn chứa nhiều nguy cơ cháy nổ và có thể xảy ra tai nạn lao động bất cứ lúc nào.

Người lao động chưa ý thức tự bảo vệ

Đầu năm 2017, tôi được tham gia đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm người lao động ở các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Hòa Bình (thành phố Kon Tum) đang làm việc trong những ngày cận tết cổ truyền.

Tại một cơ sở sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu, 40 công nhân ở phân xưởng sản xuất chính tạm dừng công việc để tiếp khách. Quan sát, tôi nhận thấy hơn 2/3 số công nhân có mặt không có trang bị đồ bảo hộ lao động như đội nón, mặc quần áo đồng phục lao động, đeo găng tay, khẩu trang, gắn nút ở tai để hạn chế tiếng ồn. Trong khi đó, nơi sản xuất hàng hóa rộng hơn 2.000m2 không khí khá ngột ngạt bởi bụi mủn li ti của gỗ, trộn lẫn mùi hóa chất của sơn màu và xung quanh là các sản phẩm bàn ghế gỗ ngổn ngang chưa hoàn thiện, đang lần lượt chờ chà nhám, đánh vec ni, phun màu…

​Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xem nhẹ vấn đề an toàn lao động. Ảnh: M.T

 

Chị L - một lao động trẻ tại phân xưởng tâm sự, biết làm việc trong môi trường này dễ bị viêm phổi, hoặc bị các bệnh mãn tính về thính giác. Song, bản thân không có bằng cấp chuyên môn, được nhận làm công việc chà nhám ở cơ sở này gần 3 tháng, lương trung bình 4 triệu đồng/tháng là mừng rồi. Chị cũng cho hay, lúc mới vào làm, được cấp đồ bảo hộ lao động, nhưng sau thời gian làm việc, thấy sử dụng các vật dụng trên bất tiện, mọi người thôi không sử dụng nữa. Theo chị, toàn bộ gần 95 công nhân ở đây chưa thấy ai bị đuổi việc, hay bị xử phạt vì không trang bị đầy đủ các đồ bảo vệ lao động trên.

Quanh chuyện ý thức tự bảo vệ an toàn trong lao động, ông Nguyễn Văn Giỏi - Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH nhận xét, hàng năm, đơn vị thường phối hợp với các ngành chức năng tỉnh kiểm tra các doanh nghiệp, hầu như đến nơi nào cũng thấy ý thức chấp hành pháp luật lao động của chủ cơ sở có rất nhiều hạn chế.

Đáng lo ngại, ở nhiều công trình xây dựng, doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động với người làm và không trang bị bảo hộ nên khi không may gặp tai nạn, người lao động đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, họ không khiếu kiện, do lo sợ mất việc nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Giỏi còn khẳng định, trường hợp nếu khiếu kiện, thì phải là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn tháng 5/2016, Sở LĐTB&XH tiếp nhận đơn thư khiếu nại 1 vụ tai nạn lao động làm chết một người nhưng bị bỏ lơ, tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Đăk Glei. Sau đó, đơn vị đã vào cuộc cùng các sở, ngành điều tra, kết luận nguyên nhân dẫn đến tai nạn là doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thực hiện đúng các qui định của pháp luật về an toàn lao động, bao gồm: chưa huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động cho công nhân; không có biển cấm, rào chắn, biển báo hiệu nguy hiểm an toàn tại khu vực làm việc; quá trình thi công, chủ xây dựng không bố trí người cảnh giới, cảnh báo an toàn tại khu vực làm việc nguy hiểm, không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân... Phía người lao động bị tai nạn đã không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật kém, nên xảy ra chuyện đáng tiếc.

Phạt mức tối đa, vẫn vi phạm

Đối với vụ việc trên, các ngành chuyên môn đã xử lý phạt doanh nghiệp, và yêu cầu đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho đối tượng lao động bị tai nạn. Cũng qua báo cáo của Sở LĐTB&XH, định kỳ hàng năm, các sở, ngành phối hợp quản lý, hướng dẫn và tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn về thực hiện quy định pháp luật lao động, bao gồm cả an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Qua các đợt kiểm tra cho thấy, phần lớn doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng, tuyển dụng và thực hiện công tác an toàn vệ sinh, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công tác kê khai bảo hiểm xã hội cho lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn hạn chế, xem nhẹ công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động…

Mặt khác, ở các cơ sở kinh doanh sản xuất đều có ban hành văn bản xây dựng các nội quy, quy trình vận hành các loại máy, thiết bị và các biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động, nhưng thực tế chế độ tự kiểm tra hầu như không thường xuyên, hoặc mang tính hình thức. Người sử dụng lao động thậm chí xem thường tính mạng, sức khoẻ công nhân, cũng như thực hiện chế độ và các qui định về quyền lợi cho người tham gia sản xuất…

Tất cả các vi phạm trên đã được các đoàn kiểm tra lập biên bản xử lý vi phạm, gần nhất năm 2016 là 10 doanh nghiệp bị xử phạt với tổng số tiền 61,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cho rằng, các mức xử phạt (dù ở mức tối đa) vẫn còn nhẹ, trong khi nguồn kinh phí đáng ra phải đóng các khoản về sử dụng lao động sản xuất trực tiếp (hoặc gián tiếp) tại doanh nghiệp đến con số vài tỷ đồng, hay so với lợi nhuận đem lại vài chục, vài trăm tỷ đồng. Bởi thế, việc phát hiện, xử phạt trên chưa mang tính răn đe, và doanh nghiệp tái vi phạm vẫn xảy ra qua các năm.

Không thể thờ ơ với an toàn lao động, các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động cần phải chú trọng đến công tác này nhiều hơn nữa.

Mai Trâm

Chuyên mục khác