Không nên dung dưỡng cho các hành vi vi phạm pháp luật

02/06/2020 06:05

Mỗi người hãy tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nói chung, các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng, không nên dung dưỡng, bao che cho những hành vi vi phạm.

Thời gian qua, đặc biệt là từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn và các vi phạm khác, thì tình trạng người dân tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngày một tăng.

Chẳng hạn như một số cá nhân thông qua mạng xã hội zalo, facebook, đã lập các nhóm riêng tư để thông báo, cảnh báo cho bạn bè, người quen địa điểm, thời gian để tránh lực lượng chức năng chốt chặn kiểm tra. Các nhóm này đã thu hút hàng nghìn thành viên tham gia, chủ yếu là “đấng mày râu” hay ăn nhậu. Khi ai đó phát hiện có lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra, liền nhắn lên nhóm bằng các ký hiệu, tín hiệu riêng giúp các thành viên biết được để né tránh sự kiểm soát bằng cách đi đường khác, đổi người lái hoặc đợi chờ qua thời gian kiểm tra… để không bị phạt. 

Không chỉ lập ra các nhóm, một số người dân ở các khu vực gần điểm lực lượng cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra hoặc biết được khi đi ngang qua điểm chốt chặn cũng đã đăng lên zalo, facebook cá nhân các cảnh báo kiểu: “Có chốt kiểm tra nồng độ cồn ở đường X, anh chị em chú ý”, “Mọi người khi qua ngã tư Y nhớ bật đèn xi nhan nhé”… để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết vị trí, địa điểm mà lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Mỗi người hãy tuân thủ quy định của pháp luật nói chung, quy định về trật tự an toàn giao thông nói riêng. Ảnh: Internet

 

Cùng với kiểu thông báo qua mạng xã hội mới xuất hiện, không ít người vẫn tiếp tục với các kiểu tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã có từ lâu như thông báo miệng, phát tín hiệu… Chẳng hạn, biết cuối đường có lực lượng chức năng kiểm tra, thì ngay gần đó một số người dân khi thấy người tham gia giao thông có các hành vi vi phạm phạm luật như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, 4…đều hô to: “Đi đường khác đi, ở cuối đường có công an đó”; “Công an đang kiểm tra ở ngã ba đấy”…

Hay dọc theo các tuyến đường, nếu để ý sẽ không khó để phát hiện các tài xế thường xuyên ra những ký hiệu riêng để hỏi nhau xem có cảnh sát giao thông kiểm tra hay không. Nếu nhận được tín hiệu trả lời không có thì các lái xe “vô tư” phóng nhanh, vượt ẩu. Còn nếu nhận được tín hiệu có thì ngay lập tức các lái xe chạy đúng tốc độ quy định, không lấn làn, lấn vạch…

 Trong nhiều lần cùng tham gia nhiệm vụ với lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra nồng độ cồn tại thành phố Kon Tum và các huyện trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy rất ít người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi qua đoạn đường mà lực lượng chức năng đang chốt chặn. Tìm hiểu ra mới rõ, người tham gia giao thông đã nhận được thông báo qua zalo, facebook hoặc được người dân sinh sống gần các điểm chốt chặn báo hiệu nên lượng người đi qua chốt rất ít. Và dĩ nhiên số lượng người vi phạm cũng không nhiều.

Nhiều người cứ nghĩ, việc chỉ giới, cảnh báo ấy là việc làm tốt, giúp cho người vi phạm không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, mà không nghĩ rằng mình đang bao che, dung dưỡng cho những hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, kiểu thông báo đó không chỉ “tiếp tay” cho vi phạm mà còn tạo thành thói quen, sự thiếu ý thức thực hiện đúng các quy định Luật Giao thông đường bộ nói riêng và pháp luật nói chung.

Rõ ràng nếu mỗi người vẫn giữ thói quen bao che, dung dưỡng cho các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng việc thông báo, cảnh báo qua mạng xã hội, bằng miệng, bằng việc phát tín hiệu… thì chắc chắn việc lập lại trật tự an toàn giao thông sẽ khó đảm bảo. Kéo theo đó sẽ còn tiếp tục xảy ra những hệ lụy đáng tiếc: tai nạn giao thông gia tăng dẫn đến nhiều người chết, bị thương; nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, con mất cha, vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh mồ côi; nhiều người từ chỗ khỏe mạnh bỗng trở thành tàn phế vì bị tai nạn giao thông, gia cảnh trở nên khó khăn…

Ý thức tuân thủ pháp luật không tự nhiên có, mà được hình thành qua quá trình học tập, bồi đắp tri thức và tạo lập nhân cách từ khi còn nhỏ, từ những hành động, việc làm, thói quen trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, mỗi người hãy tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nói chung, các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng, không nên dung dưỡng, bao che cho những hành vi vi phạm như đã nêu ở trên. Bởi vì đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông và an toàn xã hội…

HÀ NAM

Chuyên mục khác