Không lơ là trong phòng, chống sốt xuất huyết

25/05/2021 06:04

Theo ngành Y tế tỉnh, từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh ta thường gia tăng và bùng phát mạnh. Do đó, thời điểm này, cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, việc chủ động triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue là nhiệm vụ không kém phần quan trọng nhằm góp phần bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của người dân.

Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa, đây là yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue sinh sôi, phát triển kéo theo nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết.

Theo ghi nhận của Sở Y tế, từ đầu tháng 5 đến nay, rải rác ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Tính đến ngày 19/5, toàn tỉnh ghi nhận 14 ổ dịch với 32 ca mắc trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Đăk Glei, hiện có 4 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô; tính theo địa bàn cơ sở hiện tại toàn tỉnh có 9/102 xã, phường, thị trấn có ca bệnh.

Điều đáng nói, các địa phương này đều là những “điểm nóng” về dịch sốt xuất huyết của năm 2020 với số ổ dịch, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao.

Để hạn chế sự gia tăng của dịch bệnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã triển khai 24 đợt phun hóa chất kèm diệt lăng quăng/bọ gậy tại 10 ổ dịch. Ngoài ra, có 2 ổ dịch chỉ thực hiện công tác diệt lăng quăng/bọ gậy.

Các địa phương, nhất là các huyện đang có ổ dịch chỉ đạo các đội xung kích, tổ công tác cộng đồng tăng cường phòng, chống dịch bệnh cùng với người dân trên địa bàn thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức truyền thông như trực tiếp tại hộ gia đình, trên xe loa lưu động, qua hệ thống loa công cộng…

Phun hóa chất chỉ là giải pháp tình thế để diệt muỗi trưởng thành. Ảnh: T.H

 

Các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế sẵn sàng cơ sở thu dung, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu... nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh bị mắc sốt xuất huyết Dengue không giảm, mà ngược lại có chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận tới 2.250 ca mắc với 511 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue; trong đó, thành phố Kon Tum có 387 ca,  huyện Đăk Hà có 622 ca, Đăk Tô có 441 ca, Ngọc Hồi có 422 ca, Đăk Glei có 154 ca, Sa Thầy có 114 ca… cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thực tế việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue những năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đây chính là điều rất đáng lo ngại, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của ngành Y tế và chính quyền các địa phương cơ sở với những biện pháp hữu hiệu hơn, nhất là việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, sự tham gia tích cực của người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Nguyên nhân được chỉ rõ là công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tuy được các cấp chính quyền, các ngành chức năng triển khai trong nhiều năm với rất nhiều hoạt động, song hiệu quả không cao, chưa tạo được sự chuyển biến trong ý thức và hành động của người dân. Chương trình dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy được coi là biện pháp cốt lõi, quyết định và lâu dài trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết vẫn bị nhiều địa phương coi nhẹ, thậm chí là “khoán trắng” cho ngành Y tế. Nhiều nơi chưa duy trì thường xuyên, tổ chức không hiệu quả, không đạt được mục tiêu của chương trình là loại bỏ triệt để lăng quăng/bọ gậy để muỗi truyền bệnh không sinh sôi, phát triển được. Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn lơ là, chủ quan, không chú ý đến việc dọn vệ sinh trong chính khuôn viên gia đình.

Trong đợt kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Glei và thành phố Kon Tum, đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đều lưu ý, song song với nhiệm vụ phòng, chống Covid-19, các địa phương không được lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tránh để dịch chồng dịch.

Thời điểm này, thời tiết nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue sinh sôi, phát triển. Do đó, cùng với các giải pháp của ngành chức năng thì điều căn cơ là mỗi địa phương, mỗi gia đình, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, nhất là phải tích cực việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, thực hiện ngủ màn...

Thiên Hương

Chuyên mục khác