24/07/2020 06:30
Theo đánh giá của ngành Y tế, ở nước ta nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, trước đây, khi vắc xin bạch hầu chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch. Bệnh thường xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Đến khi việc tiêm vắc xin bạch hầu được mở rộng, tỷ lệ người mắc bạch hầu đã giảm sâu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh bạch hầu đang có nguy cơ quay trở lại, bùng phát thành dịch. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với bệnh này.
Thống kê của Sở Y tế trong 3 năm trở lại đây cho thấy, bệnh bạch hầu vẫn tồn tại trong cộng đồng và ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Năm 2019, có 8 trường hợp mắc bệnh và từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 32 ca dương tính với bạch hầu xảy ra tại 5/10 huyện, thành phố.
|
Bác sỹ Trần Ái-Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Đây là một bệnh nhiễm trùng- nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây nên và là bệnh lây qua đường hô hấp. Khi mắc bạch hầu, triệu chứng sớm nhất là viêm họng, chán ăn và sốt nhẹ. Sau 2 đến 3 ngày xuất hiện giả mạc trắng có màu ngà ở trong họng và lưỡi. Giả mạc này có đặc điểm là dai, dính và dễ chảy máu nếu bóc giả mạc. Ngoài ra, giả mạc có thể màu xám hoặc đen. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày sau khi mắc bệnh. Thể bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể làm sưng cổ và làm hẹp đường thở.
“Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu là có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp và dẫn đến tử vong. Trong giai đoạn sớm của bệnh hoặc giai đoạn sau đó bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim, suy tim. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim sau nhiều năm có thể dẫn tới bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận…” - bác sỹ Trần Ái cho hay.
Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu nhưng thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng. Tỷ lệ tử vong từ 5% đến 10%, tỷ lệ này lên tới 20% ở trẻ em và người trên 40 tuổi.
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, hạn chế số ca bệnh và quyết tâm không để xảy ra trường hợp tử vong liên quan đến bệnh bạch hầu, ngay khi xuất hiện ca dương tính với bạch hầu, ngành Y tế phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Đó là, cách ly điều trị tại cơ sở y tế các ca bệnh, ca người lành mang trùng, ca nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời, tiến hành khoanh vùng, cách ly, kiểm soát ổ dịch. Ngành Y tế đã cấp 36.748 viên, 6.004 gói kháng sinh điều trị dự phòng cho 3.814 người; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 26 đợt vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu trùng khử độc tại các ổ dịch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp, qua hệ thống loa truyền thanh, áp phích, tờ rơi…
Cũng theo bác sỹ Trần Ái, bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nhưng có thể phòng tránh được. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vắc xin để tạo kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu có cả trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ với các loại vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1…đều có thành phần có tác dụng phòng ngừa bạch hầu. Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh. Riêng trong đợt này, ngành Y tế cũng sẽ triển khai tiêm vắc xin Td (vắc xin phòng bệnh uốn ván- bạch hầu) cho đối tượng từ 7 tuổi trở lên để tạo miễn dịch cho cộng đồng, do đó, người dân cần phối hợp để tiêm phòng đầy đủ.
Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh bạch hầu, người dân cần chú ý thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly ngay và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Không quá hoang mang lo lắng, nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan lơ là với dịch bệnh; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh và đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, khám phát hiện bệnh ngay khi có những biểu hiện nghi ngờ mắc bạch hầu là những khuyến cáo được ngành Y tế đưa ra trong thời điểm này.
Thiên Hương