Không đùn đẩy trách nhiệm

08/05/2023 13:08

Có những sự mơ hồ không đáng có trong giải quyết thủ tục hành chính, khiến người dân bức xúc, gây trở ngại cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính công. Mà một trong những nguyên nhân của tình trạng ấy là sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Vì đặc thù nghề nghiệp, tôi biết những câu chuyện với nhiều uẩn khúc liên quan đến thủ tục hành chính và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải quyết.

Gần đây nhất, anh bạn tôi bức xúc kể về cán bộ chức năng phường nọ, vì ngại "chưa có tiền lệ", "đâu phải trách nhiệm của mình", đã thẳng thừng từ chối xác nhận đơn, dù hợp lệ và hợp pháp, của anh.

Từ những câu chuyện có thật như vậy, tôi nhận ra rằng, luôn có những sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không đáng có trong giải quyết thủ tục hành chính, khiến người dân bức xúc, gây trở ngại cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính công.

Chỉ đáng buồn, các ý kiến phản ánh của người dân thường chung chung, không nêu đích danh, cụ thể. Tuy bức xúc vì kiểu “né tránh, đùn đẩy tách nhiệm”, nhưng không ít người dân và doanh nghiệp lại e ngại, sợ đụng chạm, nên cũng… né tránh luôn.

Đối thoại trực tiếp với người dân để làm rõ trách nhiệm. Ảnh: H.L

 

Hoạt động hành chính có đặc trưng là gắn với đời sống thường nhật của người dân và bao quát mọi lĩnh vực xã hội. Những nỗ lực, dù từ cá nhân hay tổ chức, nhằm giúp nâng cao hình ảnh cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, có những cán bộ, công chức, viên chức lại né tránh trách nhiệm, tìm cách đẩy sang cho người khác, đẩy lên cho cấp trên, đẩy cho cấp dưới, thậm chí đẩy vào… ngăn kéo (không làm gì cả) chính công việc thuộc phạm vi mình phụ trách.

Bệnh này vốn dĩ đã có từ lâu trong bộ máy hành chính. Thông thường được chia thành 2 “đội”: Với những cán bộ vốn dĩ thiếu năng lực, trình độ chuyên môn yếu thì luôn e dè, làm gì cũng sợ sai, nên an phận, giữ ghế.

Còn với những cán bộ vốn dĩ đã thiếu ý thức trách nhiệm, thì luôn thuộc lòng câu “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”.

Nhưng căn bệnh này “nặng” hơn sau những vụ khởi tố, bắt giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ, liên quan đến các sai phạm về đất đai, dự án ở các tỉnh, thành phố.

Những lời đồn kiểu: Biết gì không, ông A sắp bị “sờ gáy” rồi đấy? hay “ông C sắp bị kiểm điểm trách nhiệm vì dám vượt rào” luôn được “rỉ tai” nhau và lây lan với tốc độ chóng mặt. Nên càng ngày, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm càng bộc lộ rõ.

Hậu quả của sự đùng đẩy, né tránh trách nhiệm là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Đặc biệt, với những công việc nhạy cảm, phức tạp liên quan tới nhiều cơ quan, sở, ban, ngành, địa phương, như giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm càng gây tác hại.

Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Trong đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Xu hướng ưu tiên sự an toàn của bản thân, áp dụng triết lý "làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai" đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người đứng đầu, người có trách nhiệm.

Mặt khác, tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức còn chung chung, chưa tạo động lực cho cán bộ có tâm, có tài tích cực cống hiến, và chưa răn đe được cán bộ lười biếng, an phận thủ thường, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa được quan tâm đúng mức.

Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trước dân. Ảnh: HL

 

Để tránh tình trạng người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không khéo lại thua thiệt, rủi ro, còn người ù lỳ, không làm gì cả, thì lại hưởng lợi, Đảng ta đã kịp thời có Kết luận số 14- KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Mới đây, ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Công điện nêu rõ, gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

Có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân tại các bộ, cơ quan, địa phương và của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước- Công điện nêu rõ.

Nâng cao sức cạnh tranh của một địa phương không chỉ nằm ở sự thực  thi đúng các quy định và luật pháp, mà còn phụ thuộc vào tinh thần phục vụ và ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung của những người thực thi công vụ.

Tất nhiên, dám nghĩ dám làm không đồng nghĩa với làm liều, làm ẩu. Dám làm vì lợi ích chung khác với dám làm nhằm vụ lợi. Mặt khác, người làm sai rõ ràng phải chịu tội, người dám làm và làm đúng cần được bảo vệ.       

Hồng Lam

Chuyên mục khác