Không để “mưa là ngập”

11/10/2023 06:10

Trước đây, không ai tin ở “phố núi” lại ngập đường sá, nhưng bây giờ thì ai cũng nói “lại ngập cho coi” mỗi khi có mưa lớn. Việc giải quyết tình trạng ngập úng cần được tính toán cả trước mắt và lâu dài.

Sáng sớm 9/10, mưa lớn sầm sập trút xuống. Chỉ ít phút sau, tôi nhận được tin nhắn báo ngập ở đường Phan Đình Phùng (thành phố Kon Tum), kèm theo đoạn video ngắn cảnh xe chạy trên đường, nước ngập ngang bánh.

Thêm ít phút nữa, mạng xã hội, bao gồm facebook, zalo, instagram tràn ngập hình ảnh về những tuyến đường ở thành phố Kon Tum ngập sâu trong nước. Hầu hết những tài khoản facebook tôi biết đều đăng các cảnh báo về những tuyến phố ngập nước, nhằm giúp người khác né tránh.

Nước ngập trên đường Đoàn Thị Điểm (thành phố Kon Tum) sáng sớm 9/10/2023. Ảnh: H.L

 

6 giờ 30 phút, sáng 9/10, tôi đội mưa chạy đi làm. Giao thông trên đường Trần Phú khá lộn xộn, bởi đúng giờ viên chức đi làm, học sinh tới trường, lượng xe tăng lên.

Vừa nhích từng mét đường, tôi vừa cập nhật tình hình. Bạn bè báo tin các tuyến đường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Lê Lợi, Đoàn Thị Điểm, Thi Sách đều có những đoạn ngập trong nước.

Nước ngập sâu làm giao thông ách tắc, một số xe chết máy người dân phải dắt bộ. Nhiều hộ dân sống hai bên đường dùng tấm gỗ, tôn chắn trước cửa để ngăn các đợt sóng tràn vào nhà khi xe chạy qua. Việc kinh doanh, buôn bán của người dân dọc tuyến đường cũng bị gián đoạn.

Một video khác, cũng của anh bạn gửi sau đó, cho thấy một bức tranh cận cảnh hơn.

Một người phụ nữ đang cố gắng đẩy chiếc xe chết máy đi trên đường, nước gần ngập yên xe (chắc chắn khi ra khỏi điểm ngập, chiếc xe ấy phải được đưa tới tiệm sửa xe). Một xe ô tô lao qua điểm ngập, làm sóng dạt ra hai bên, tràn vào nhà, rồi lao vụt đi, bỏ lại phía sau những lời la ó.

Trên thực tế, chuyện ngập úng sau mỗi đợt mưa lớn không phải lạ chuyện hiếm lạ gì ở thành phố Kon Tum.   

Đoạn đường Bà Triệu (trước trụ sở HĐND tỉnh) bị ngập sáng 9/10/2023. Ảnh: HL

 

Tôi còn nhớ, những năm 2012-2013, cứ mưa là một số vị trí trên đường Lê Lai bị ngập, sau đó, UBND thành phố đã đầu tư xây dựng một cống thoát nước xuống đường Cù Chính Lan nên hết ngập.

Trên đường Lê Đình Chinh cũng thường bị ngập úng do chưa có hệ thống thoát nước, thành phố đã đầu tư hệ thống thoát nước đấu nối với hệ thống thoát nước ở đường Phan Đình Giót, thế là cư dân nơi đây cũng thoát cảnh ngập úng.

Nhưng hối ấy, ngập nặng nhất vẫn là khu vực đường Ngô Quyền-Trần Phú. Năm 2013, UBND thành phố triển khai dự án xử lý ngập úng ở đây với tổng mức đầu tư 26,95 tỷ đồng. Nước được dẫn vào kênh chính, đổ ra sông Đăk Bla. Thế là tình trạng ngập úng được xử lý.

Nhưng khắc phục được nơi này lại “xì” ra những điểm ngập úng khác. Thậm chí tình trạng ngập nước diễn ra một cách thường xuyên hơn. Chỉ cần có mưa lớn kéo dài là nhiều tuyến phố ngập sâu, gây tắc nghẽn giao thông, đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng đời sống và sinh kế người dân.

Và những gia đình sống trên các “tuyến phố ngập” phải sử dụng đủ loại “tấm chắn” đặt trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà.

Không chỉ việc kinh doanh bị ảnh hưởng lớn, mà sau khi nước rút thì bùn đất, rác thải ngập nhà; máy móc, tủ lạnh cũng bị hư hỏng do ngâm nước.

Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một thống kê nào về mức độ thiệt hại do ngập úng ở các tuyến đường.

Người dân cho rằng, nguyên nhân gây ngập có thể là thời gian qua các dự án xây dựng nhà ở, dự án bất động sản triển khai chưa đồng bộ với kết cấu hạ tầng, hệ thống đấu nối cầu cống, thoát nước.

Trong khi đó, thành phố Kon Tum cũng chưa có các hồ điều hòa, điều tiết chống ngập; hệ thống thoát nước xây dựng đã lâu năm, thiết kế chưa đủ lớn để thoát nhanh.

Về phía chính quyền, UBND thành phố Kon Tum cũng nhiều lần ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri về việc mưa lớn gây ra tình trạng ngập úng tại một số vị trí, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng tới diện mạo đô thị.

Để khắc phục, xử lý tình trạng ngập úng nêu trên, UBND thành phố Kon Tum đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp trước mắt để xử lý tình trạng ngập các tuyến đường. 

Về lâu dài, tiến hành khảo sát, xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng thường xuyên; đánh giá kỹ hiện trạng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (đặc biệt là hệ thống thoát nước mưa, nước thải), đề xuất giải pháp quy hoạch thoát nước trong quá trình lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum đến năm 2040 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Tin vui là ngày 27/6 Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường đô thị, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu thành phố Kon Tum - Hợp phần Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Kon Tum” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng mức đầu tư 814.368 triệu đồng.

Khi được triển khai, dự án sẽ góp phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng thành phố Kon Tum thành đô thị thông minh và theo mô hình “Thành phố xanh mới - New Green city”.

Tuy nhiên, từ nay đến khi dự án đi vào hoạt động, người dân thành phố Kon Tum vẫn cần những hệ thống thoát nước cục bộ đủ nhanh mỗi khi có mưa, dù lớn hay nhỏ.

Không để cứ “mưa là ngập”!   

Hồng Lam

Chuyên mục khác