Không để bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch

15/09/2023 06:33

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi viêm kết mạc) trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Do đó, ngành Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh để ngăn chặn, hạn chế nguy cơ bùng phát thành dịch.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 1/8-12/9/2023, tại Bệnh viện Mắt Kon Tum đã tiếp nhận và điều trị cho gần 600 bệnh nhân bị đau mắt đỏ; trong đó, số bệnh nhân là trẻ em dưới 12 tuổi chiếm khoảng 60%. Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh đau mắt đỏ gia tăng đột biến, cao hơn khoảng 30% so với thời điểm trước đó và đa số các trường hợp mắc bệnh ở mức độ nặng.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tháng 8/2023 và 10 ngày đầu của tháng 9/2023, có gần 400 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi cũng ghi nhận 59 bệnh nhân bị đau mắt đỏ.

Tại Bệnh viện Mắt Kon Tum số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám, điều trị gia tăng, nhất là trẻ em. Ảnh: TH

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.885 trường hợp bệnh nhân bị mắt đỏ. Trong đó, tháng 8/2023, toàn tỉnh có 332 trường hợp, từ ngày 1/9-9/9/2023, có 158 trường hợp bị đau mắt đỏ.

Điều đáng nói, con số thống kê trên chưa thực sự phản ánh hết tình hình bệnh đau mắt đỏ xảy ra trên địa bàn; vì có nhiều người mắc bệnh nhưng không đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế mà có thể đến các phòng khám, cơ sở y tế tư nhân hoặc tự mua thuốc về điều trị tại nhà.

Hiện bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh và nguy cơ lây lan trong các trường học. Chẳng hạn như tại Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Kon Tum), từ ngày 5/9-12/9, toàn trường có 14 em mắc bệnh đau mắt đỏ. Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum) có tới 60 học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ.

Để hạn chế bệnh lây lan rộng, ngay khi phát hiện các em học sinh bị đau mắt đỏ, các trường học đã cho các em tạm nghỉ học trong thời gian 1 tuần và chuyển sang hình thức tự học thông qua sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, các trường học cũng đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở phụ huynh, học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Chuyên khoa I Tô Vi Thảo- Bệnh viện Mắt Kon Tum cho biết: Đau mắt đỏ là một bệnh lý cấp tính do vi rút, vi khuẩn hoặc phản ứng dị ứng gây ra, dễ lây nhưng thường lành tính. Tuy ít nguy hiểm, nhưng bệnh ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động; đặc biệt, nếu để bệnh kéo dài hoặc điều trị sai cách có thể gây ra biến chứng, dẫn đến viêm kết mạc, làm suy giảm thị lực sau này. Do đó, mọi người cần có ý thức phòng bệnh, chú ý theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời khi mắc bệnh.

Trường Tiểu học Quang Trung phổ biến, hướng dẫn học sinh về việc nhận biết và phòng tránh bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: TH

 

Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo, người dân cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay, sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ uống, chậu khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ; vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, khu làm việc bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt để hạn chế lây lan bệnh đau mắt đỏ cho mọi người xung quanh. Khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, sử dụng thuốc theo đơn và chỉ định của bác sĩ...

Để chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp đau mắt đỏ, đặc biệt là tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp...; triển khai triệt để các biện pháp khống chế các ổ dịch (nếu có); không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị, có phương án thu dung và điều trị bệnh nhân khi dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân, giáo viên, học sinh hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng, trong trường học.

Dù chưa thành dịch, nhưng số bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng chính là điều đáng lo ngại. Do đó, cùng với việc các ngành chức năng kịp thời triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh đau mắt đỏ, người dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.          

Thiên Hương

Chuyên mục khác