“Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”

18/08/2023 13:18

Tôi đã nghĩ tới câu thơ bất hủ này của nữ thi sĩ Xô Viết Olga Bergolts khi đọc phần tư liệu ít ỏi về bác sĩ Hoàng Lẫm- vị Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời (UBNDCMLT) tỉnh Kon Tum được thành lập ngay trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Mới đây, một bạn đọc gọi cho tôi chia sẻ sự băn khoăn về việc không thấy nhắc đến tên  bác sĩ Hoàng Lẫm - vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời (UBNDCMLT) tỉnh Kon Tum được thành lập ngay sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - trong các dịp kỷ niệm quan trọng của tỉnh.  Đồng thời đề nghị tôi chia sẻ thông tin về ông, nếu có.

Sau cuộc trao đổi ngắn ấy, tôi quyết định lần theo những dấu tích lịch sử với mong muốn tìm hiểu được chút ít về ông.

Đêm 23/8/1945, nhận được tin Việt Minh Gia Lai lên giúp sức giành chính quyền, một số viên chức có xu hướng tiến bộ gồm Hoàng Lẫm, Võ Văn Dật, Tôn Thất Hy, Nguyễn Năng Tịnh... đã tổ chức cuộc họp bàn thống nhất chuẩn bị mọi điều kiện để phối hợp cùng Việt Minh Gia Lai giành chính quyền. Cuộc họp đã vạch kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, từ khống chế tên Quản Giai- Đồn trưởng bảo an; tìm cách thu chìa khóa kho súng đạn và vận động binh lính ở các đồn hạ vũ khí đến việc vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa.

Đường phố Kon Tum rực rỡ cờ Tổ quốc mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: LH    

 

Sáng 25/8/1945, khi các ông Dương Thành Đạt, Trần Sanh, Nguyễn Xuân, Trần Thông, Đỗ Huyên dẫn đầu lực lượng ở Gia Lai lên Kon Tum  thì chính quyền đã về tay nhân dân.

Sau khi Tỉnh trưởng Hà Ngại tuyên bố từ chức, bàn giao toàn bộ ấn tín, hồ sơ, trụ sở cơ quan hành chính, kho bạc, kho tàng quân sự cho cách mạng, một cuộc mít tinh đã được tổ chức ngay tại dinh tỉnh trưởng Kon Tum để tuyên bố thành lập chính quyền Cách mạng.

Tại đây, bác sĩ Hoàng Lẫm tuyên bố bãi bỏ chính quyền thực dân cũ, thành lập chính quyền cách mạng mới. Đồng thời công bố thành lập UBNDCMLT tỉnh Kon Tum gồm 5 người, do Bác sĩ Hoàng Lẫm làm Chủ tịch; các ông Tôn Thất Hy (tháng 9/1945 được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Kon Tum), Trần Quang Tường (sau tháng 9/1945 được bầu là Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh), Võ Văn Dật, E De là ủy viên.

Sáng 28/8/1945, tại sân vận động thị xã Kon Tum, UBNDCMLT tỉnh tổ chức một cuộc mít tinh lớn, với sự tham gia của đông đảo nhân dân ở thị xã Kon Tum và vùng phụ cận.

Chủ tịch Hoàng Lẫm thay mặt Ủy ban tuyên bố xóa bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền đế quốc, phong kiến; xóa bỏ các chế độ xâu, thuế do chính quyền cũ đặt ra; thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân; kêu gọi hết thảy các tầng lớp nhân dân, đồng bào Kinh-Thượng đoàn kết, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ cách mạng. 

Sau khi thực dân Pháp tấn công Sài Gòn (ngày 23/9/1945), bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ 2, Kon Tum bắt tay vào chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống ngoại xâm. Chính quyền tỉnh được củng cố một bước với việc bầu Ủy ban hành chính tỉnh do đồng chí Hà Lượng làm Chủ tịch; thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 10/1945).

Đến lúc này, UBNDCMLT đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của mình.

Dù vậy, những gì mà UBNDCMLT và cá nhân ông Hoàng Lẫm đã làm có ý nghĩa rất lớn cho sự nghiệp cách mạng sau này. Đặc biệt là tuyên bố bãi bỏ chính quyền thực dân cũ, thành lập chính quyền cách mạng mới, một tuyên bố mang tính lịch sử, mở ra một thời đại mới ở Kon Tum.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum- Tập 1 (1930-1975), cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Kon Tum diễn ra một cách nhanh gọn, hầu như không tiếng súng, không đổ máu nhưng thắng lợi triệt để hoàn toàn, mặc dù chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo.

Có được kết quả đó, bên cạnh tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân Kon Tum, có một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là sự chuẩn bị trước từ các viên chức, trí thức tiến bộ nhận biết rất rõ thời cuộc. Chính họ đã nghe ngóng tình hình, tìm hiểu và vận động, tuyên truyền hướng hoạt động của quần chúng theo chương trình, điều lệ của Mặt trận Việt Minh, nhóm lên ngọn lửa yêu nước, cách mạng trong quần chúng nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Tìm tòi mãi, chúng tôi mới phát hiện thêm một chi tiết về bác sĩ Hoàng Lẫm. Một thời gian sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ông ra thủ đô Hà Nội làm việc. Dù không còn gắn bó với Kon Tum nhưng ký ức về những ngày sôi động ấy luôn sống trong con tim, khối óc vị chủ tịch đầu tiên của chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh.

Ngày 17/12/1968, tại buổi Tọa đàm về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum, tổ chức tại Hà Nội, ông kể: Được UBNDCMLT  giao nhiệm vụ làm Chủ tịch, tôi lo và mừng. Mừng vì ta thắng lợi, lo vì nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng tôi vững tin rằng dù thế nào thì con đường cách mạng cũng thành công.

78 năm đã trôi qua, trải qua nhiều thăng trầm, Kon Tum đang từng ngày vươn lên, phát triển từng ngày. Nhưng chính quyền cách mạng lâm thời, với những việc làm buổi sơ khai, vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong hành trình đi lên.

“Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”- tôi đã nghĩ tới câu thơ bất hủ này của nữ thi sĩ Xô Viết Olga Bergolts khi đọc phần tư liệu ít ỏi về  bác sĩ Hoàng Lẫm.

Vì vậy, tôi mong muốn những cơ quan nghiên cứu lịch sử của Kon Tum tìm kiếm, củng cố tư liệu về vị chủ tịch đầu tiên này, vừa là để ghi nhớ công lao, vừa là để giáo dục cho thế hệ mai sau về truyền thống lịch sử cách mạng quê hương Kon Tum.              

Lê Hải

Chuyên mục khác