Khởi sắc trên vùng chiến khu xưa

05/05/2018 07:27

Mới đây, tôi có dịp trở lại thăm xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) – một vùng căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tỉnh lộ 677 từ Quốc lộ 24 (xã Đăk Ruồng) đi Đăk Kôi đã được nhựa hóa toàn tuyến, kết nối với vùng căn cứ kháng chiến ở các xã Đăk Ui, Đăk Psi (huyện Đăk Hà), tạo động lực cho sự phát triển của địa phương này trong tương lai.

Trước 30/4/1975, Đăk Kôi bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn vì phải huy động nhân lực, vật lực cho cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm. Sau khi thống nhất đất nước, nhân dân Đăk Kôi đã đoàn kết một lòng, góp sức xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất quê hương.

Người có công ở xã Đăk Kôi được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế. Ảnh: Q.Đ

 

Hơn 20 năm trước, Đăk Kôi còn nghèo lắm. Từ trung tâm huyện Kon Plông cũ (nay là thị trấn Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy), chúng tôi mất cả ngày đi đường mới tới được UBND xã để làm việc. Đường đi khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đời sống kinh tế - xã hội thấp kém với gần 100% số hộ nghèo đói và trên 70% dân số mù chữ.

Trải qua hơn 40 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, Đăk Kôi có bước khởi sắc tích cực, bộ mặt nông thôn đã được “thay da, đổi thịt” từng ngày. Người dân vùng căn cứ này luôn có sẵn trong mình lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ và đang ngày ngày chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Chia sẻ với chúng tôi, ông A Bré (thôn 5) phấn khởi cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh, huyện, xã, người dân chăm chỉ làm ăn, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nên đời sống của bà con đã được nâng cao hơn trước.

Còn bà Y Plơn (thôn 7) thì bày tỏ: Nhờ ơn Đảng và Nhà nước, người dân và con em chúng tôi biết được cái chữ để mở mang dân trí. Đau ốm được chữa bệnh miễn phí; giống cây trồng, vật nuôi được chính quyền hỗ trợ, vì vậy mình phải nỗ lực lao động sản xuất để nâng cao đời sống, không để cái nghèo, cái đói cứ đeo bám mình mãi. Mọi người phải nỗ lực cố gắng, tự làm chủ cuộc sống của mình.

Xã Đăk Kôi hiện nay có 10 thôn với số dân gần 3.000 người (trên 700 hộ), trong đó dân tộc thiểu số chiếm tới 98%. Hàng chục năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Nhờ vậy, bộ mặt của xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Ông Nguyễn Tấn Vũ – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho hay: Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Đến nay toàn xã có gần 700 ha diện tích cây trồng hàng năm, tổng đàn gia súc gia cầm có trên 10.000 con. Trong phát triển kinh tế, xã chú trọng duy trì ổn định diện tích lúa nước 268 ha, bắp 173 ha, sắn 153 ha. Về cây trồng lâu năm, xã ưu tiên phát triển cây bời lời với tổng diện tích gần 500 ha. Đối với chăn nuôi, xã chỉ đạo nhân dân quan tâm đầu tư mở rộng tăng đàn; trong đó đàn trâu 94 con, đàn bò 1.360 con, đàn lợn 2.450 con và đàn gia cầm trên 5.000 con.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, chính quyền xã còn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho người có công; phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

                                                                                                               Quang Định

Chuyên mục khác