Khởi sắc Tân Cảnh

06/04/2022 06:09

Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, chiến thắng ấy vẫn còn vang mãi trong ký ức của người dân Kon Tum nói chung và người dân Đăk Tô nói riêng. 50 năm, vùng đất chết bởi mưa bom bão đạn ngày ấy giờ đây đã trở thành một vùng quê trù phú gắn bó của nhiều thế hệ.

Chúng tôi đến xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô vào những ngày đầu tháng Tư, tháng mà người dân Đăk Tô rạo rực đón chờ ngày kỷ niệm 50 chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022). 

Được sự giới thiệu của chính quyền xã, tôi tìm đến gặp ông Võ Văn Mẹo là người từng tham gia kháng chiến và cũng từng là vị Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh những năm 90. Với ông Mẹo, xã Tân Cảnh như một người thân, ông chứng kiến sự trưởng thành, đi lên từng ngày của mảnh đất tưởng chừng như bị chiến tranh chôn vùi.

Mời chúng tôi ly chè xanh nóng hổi, đặc quánh, ông Mẹo đưa đôi mắt về xa và kể về quá khứ của mình. 50 năm trước, ông Mẹo là cậu thanh niên 22 tuổi, khi ấy ông đang là chiến sĩ an ninh vũ trang thuộc Ban an ninh vũ trang tỉnh (Bộ đội Biên phòng tỉnh ngày nay). Tham gia kháng chiến với vai trò hậu cần, ông chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh gây ra.

Ông vẫn nhớ như in ngày 24/4 năm ấy, mờ sáng, pháo binh ta giáng đòn sấm sét kết hợp với cùng với xe tăng cấp tập tấn công đánh chiếm các mục tiêu trong căn cứ E42 Tân Cảnh. 5 giờ ngày 24/4/1972, Tân Cảnh được giải phóng. 11 giờ ngày 24/4/1972, Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ E42 Tân Cảnh.

Sau khi Đăk Tô - Tân Cảnh giải phóng, ông chuyển sang làm việc tại Nông trường quốc doanh Quang Trung, và Tân Cảnh ngày ấy bắt đầu hồi sinh bằng việc trồng mía. Ông Mẹo nhớ lại: Những ngày đầu khi bắt đầu khai hoang, nguy hiểm, khó khăn nhiều vô kể, chúng tôi ai cũng biết dưới lớp đất ấy đầy rẫy những nguy hiểm chực chờ, những quả bom đang “ngủ im” trong đất, hễ va chạm nhẹ là sẽ “thức tỉnh”. Ấy vậy mà, với sự quyết tâm, kiên trì, cẩn thận của các công nhân, từng mảnh đất chết đã được hồi sinh.

“Ngày ấy, nơi đây là sự chung sức đồng lòng từ nhiều người, đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng giữa họ chung một mong muốn phát kiển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh” – ông Mẹo tâm sự.

Đến năm 1979, ông Mẹo lập gia đình và dựng ngôi nhà mái tranh vách nứa tại khu vực sân bay Phượng Hoàng (bây giờ là thôn 1, xã Tân Cảnh). Ngôi nhà đơn sơ nhưng với gia đình ông nó rất thiêng liêng và vô cùng quan trọng, đánh dấu có sự khởi đầu trên vùng đất bom cày, đạn xới.

Ông Võ Văn Mẹo giới thiệu về Trụ sở UBND xã Tân Cảnh năm 1990. Ảnh: VT

 

An cư, lạc nghiệp, ông Mẹo cùng vợ lần lượt sinh được 4 người con và khai hoang đất để phát triển kinh tế. Năm 1990, ông Mẹo được đưa về công tác tại xã, với vai trò là Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh. Trụ sở UBND xã ngày ấy là nhà trẻ của nông trường, chỉ với 3 phòng thô sơ, dân số ngày đó chỉ khoảng 200 hộ với gần 800 khẩu sinh sống rải rác trên 3 thôn. Lúc bấy giờ, bà con chủ yếu trồng mì, lúa, chăn nuôi trâu, bò.

Đến năm 1996 – 1997, khi nhiều nơi bắt đầu phát triển cao su, cà phê, ông Mẹo được đưa đi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, sau đó ông về hướng dẫn lại cho bà con, vận động người dân chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững. Đến năm 1999, ông Mẹo nghỉ hưu, cùng con cái tiếp tục phát triển kinh tế trên quê hương Tân Cảnh.

Vườn cao su của già làng A Đa. Ảnh: VT

 

Không trực tiếp tham gia kháng chiến như ông Mẹo, ông A Đa (56 tuổi) – già làng thôn Đăk Ri Peng 2 (xã Tân Cảnh) cũng là người chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của Tân Cảnh. Năm đó, già A Đa chỉ mới 6 tuổi, trong ký ức của ông, chiến tranh đã phá hỏng cả rẫy mì, vườn lúa của mọi người trong làng. Cuộc chiến đi qua, dân tộc ta giành được độc lập, bà con lấy đó làm động lực, tiếp tục phủ xanh Tân Cảnh. Cả đời gắn bó với Tân Cảnh, đến nay gia đình ông đã phát triển được 1 ha cao su và 3 ha cà phê, thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng.

90% đường trục thôn, làng và đường ngõ xóm được bê tông, nhựa hóa. Ảnh: VT

 

Không riêng ông Mẹo, già làng A Đa, những người dân gắn bó với mảnh đất này giờ đây đã ấm no, nhiều gia đình thuộc diện khá, giàu; xã Tân Cảnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và tiếp tục phấn đấu xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao. Đến nay, xã đã đạt 9/10 tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao với 90% đường trục thôn, làng và đường ngõ xóm được bê tông, nhựa hoá, đảm bảo ô tô đi lại thuận lợi; 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ I về cơ sở vật chất; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 53,34 triệu đồng/năm; cả xã chỉ còn 35 hộ nghèo, chiếm 2% tổng số hộ dân trên địa bàn xã.

Ông Mai Huy Hưng – Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết: Người dân xã Tân Cảnh rất cần cù, chịu khó, phấn đấu vươn lên, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Hiện nay, nhân dân trên địa bàn xã đều áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có 1.868/2.669 ha (đạt 70%) áp dụng cơ giới hóa. Xã có 2 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác hoạt động ổn định và hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã lên 90%. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tập trung nguồn lực để giữ vững các tiêu chí đã đạt và đẩy mạnh hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt để đưa Tân Cảnh đạt xã nông thôn mới nâng cao.      

Văn Tùng

Chuyên mục khác