Khởi sắc Sa Loong

18/12/2020 13:09

Hòa với niềm vui những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và người dân Sa Loong trong năm 2020, đất trời dường như cũng đang rạo rực niềm vui chuyển mình, những cơn gió bấc se se lạnh của những ngày cuối Đông tràn về, trên những đồi rừng, các cây hoa dại bắt đầu đua nở, mang sắc xuân đến với mọi nhà, mọi người và hứa hẹn năm mới, sức sống mới đến với người dân nơi đây.

Là một xã biên giới, kinh tế- xã hội của xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) chậm phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế; thu nhập kinh tế của người dân còn thấp, đời sống của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn và phụ thuộc nhiều vào rừng. Vượt qua những trở ngại do điều kiện tự nhiên, xã hội không thuận lợi, trong hành trình vượt khó vươn lên, Đảng bộ, chính quyền luôn khuyến khích, vận động các tầng lớp nhân dân xã Sa Loong khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương trong sản xuất và chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sức bật, làm thay đổi bộ mặt kinh tế- xã hội theo hướng tích cực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trong những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cải thiện đáng kể. Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện, đường, trường, trạm đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống của người dân. Mặc dù vậy, so với mặt bằng chung của huyện Ngọc Hồi thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã Sa Loong vẫn còn cao, chiếm hơn 8,04%. Nhưng con người Sa Loong hiền hòa, cuộc sống của họ luôn gắn bó với thiên nhiên, hòa vào rừng. Ở bất kỳ một ngôi làng nào nơi đây, mọi thứ để con người tồn tại cả về vật chất lẫn tinh thần đều liên quan mật thiết với rừng.

Theo số liệu, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của toàn xã Sa Loong là 14.595,1 ha (diện tích đất có rừng là 9.330,6 ha). Chính quyền xã Sa Loong đã triển khai kế hoạch trồng rừng theo Quyết định 1446/QĐ-UBND của UBND tỉnh để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; triển khai thực hiện giao đất, giao rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng, phát triển dược liệu dưới tán rừng cho hai thôn: Đăk Vang và Giang Lố I với diện tích 350 ha; giao công tác quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng 6 thôn trong xã. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động bảo vệ, phát triển rừng trên diện tích được giao và người dân còn có thêm việc làm, nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo, đảm bảo môi trường sinh thái; đây chính là “hiệu quả kép” từ chính sách khoán bảo vệ rừng cho người dân sống gần rừng của Nhà nước mang lại.

Thôn Cao Sơn, xã Sa Loong. Ảnh: DL

 

Ông A Liên (dân tộc Xơ Đăng), ở thôn Giang Lố 1 phấn khởi cho biết, thời gian qua, ngoài  sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị đứng chân trên địa bàn như Công ty TNHH MTV 732 và Đồn Biên phòng Sa Loong tăng cường cán bộ giúp xã củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn làng; tham gia giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trợ giúp y tế, học đường…Nhiều mô hình phát triển kinh tế do các đơn vị này xây dựng như phát triển cao su tiểu điền, gieo trồng lúa nước, nuôi heo giống lai, cải tạo vườn tạp… đã được nhân rộng trong phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo nên những điểm sáng tình người nơi biên giới, qua đó tăng cường sức mạnh đoàn kết quân-dân-chính-đảng.

Bà Y Ly Sa- Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong đánh giá rất cao mối quan hệ của Công ty 732 và Đồn Biên phòng Sa Loong với địa phương và sự giúp đỡ của các đơn vị này dành cho nhân dân trên địa bàn.

Bà Y Ly Sa cho biết: Không những phối hợp và hỗ trợ địa phương trong nhiều lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh trên địa bàn, riêng Công ty 732 còn giúp giải quyết việc làm cho bà con. Đặc biệt, đơn vị này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc, giúp giảm nghèo và xây dựng nếp sống văn hóa …

“Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã Sa Loong tuy chưa bằng các xã khác trong huyện, nhưng trong những năm gần đây có sự chuyển biến rõ rệt, từ việc vận dụng, khai thác tiềm năng đất sườn đồi, trồng cây có lợi thế; khôi phục các nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn. Việc đi lại, sản xuất của nhân dân trong xã ngày càng thuận tiện hơn, khi nhân dân trong xã cùng chung tay ra sức xây dựng nông thôn mới”. Bà Y Ly Sa vui mừng khẳng định với chúng tôi.

Để vượt khó vươn lên, năm 2021, xã Sa Loong thực hiện 3 lĩnh vực đột phá: Thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; chỉnh trang đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trong năm 2021, xã Sa Loong nỗ lực thực hiện đạt từ 1 đến 2 tiêu chí để từng bước đạt chuẩn các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đến Sa Loong những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Hòa với niềm vui những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và người dân Sa Loong trong năm 2020, đất trời dường như cũng đang rạo rực niềm vui chuyển mình, những cơn gió bấc se se lạnh của những ngày cuối Đông tràn về, trên những đồi rừng, các cây hoa dại bắt đầu đua nở, mang sắc xuân đến với mọi nhà, mọi người và hứa hẹn năm mới, sức sống mới đến với người dân nơi đây.

Ngày mới của Sa Loong đang bắt đầu với những tín hiệu vui.

Dương Lê

Chuyên mục khác