10/10/2019 13:07
Trong 5 năm qua (2014-2019), nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, kinh tế-xã hội vùng DTTS của tỉnh đã có sự tăng trưởng đáng kể theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã được cải thiện rõ rệt, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và sự phát triển giữa các vùng và các dân tộc.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 98% số xã có đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 57% số ki lô mét đường thôn xóm được cứng hóa, đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 18 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, 8 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 41 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 11,62 tiêu chí/xã, tăng 8,92 tiêu chí so với năm 2010. Tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh còn 21.392 hộ nghèo người DTTS, chiếm 30,89% so với tổng số hộ người DTTS toàn tỉnh.
Đặc biệt, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm xây dựng.
|
Những giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS được các cấp, các ngành quan tâm bảo tồn và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã lập hồ sơ lưu trên 200 di sản phi vật thể của đồng bào DTTS tại chỗ; trong đó, đã triển khai công tác điều tra, thống kê cồng chiêng tiêu biểu của các DTTS tại chỗ như chiêng Tha của dân tộc Brâu, chiêng Xơ Teng của nhánh Xơ Teng dân tộc Xơ Đăng, chiêng Nỉ của dân tộc Giẻ-Triêng, chiêng Buar của nhánh Tơdrá dân tộc Xơ Đăng, chiêng Ho\nh của dân tộc Gia Rai và Ba Na...
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa như: Sử thi, cồng chiêng, truyền dạy văn hóa dân gian, nghề thủ công truyền thống, chế tác và diễn tấu nhạc cụ truyền thống dân tộc, phát hành các sản phẩm văn hóa và làm tư liệu kỹ thuật số, khảo sát đàn đá Bắc Tây Nguyên, nghệ thuật điêu khắc dân gian… được quan tâm và đã góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, những nghi lễ, lễ hội dân gian tiêu biểu của từng dân tộc đã được chính quyền các cấp trong tỉnh bảo tồn trên cơ sở nguyên bản do chủ thể văn hóa tự thực hiện để vừa khôi phục lại môi trường văn hóa dân gian truyền thống, vừa phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã phục dựng được 11 lễ hội truyền thống, nâng tổng số lễ hội truyền thống tiêu biểu được bảo tồn lên 27 lễ hội. Sau khi phục dựng lại, các lễ hội tiêu biểu đã được đồng bào các DTTS duy trì, tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp hoàn cảnh và điều kiện của từng thôn, làng.
Đồng thời, công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng. Ngôn ngữ tiếng nói và chữ viết của các DTTS được đưa vào trong hệ thống giáo dục phổ thông, phát trên đài phát thanh và truyền hình, đưa vào trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh, cán bộ, công chức, viên chức.
|
Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng bào DTTS được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mạng lưới y tế phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến đầu năm nay đạt 90,79%.
Mặt khác, 100% hộ dân thuộc địa bàn vùng khó khăn được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác. Toàn tỉnh có 96% số hộ được xem Đài Truyền hình Việt Nam, 98% số hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Hàng năm, các địa phương thường xuyên tổ chức các giải thể thao với các môn truyền thống của đồng bào DTTS như: kéo co, đẩy gậy, cà kheo, bắn nỏ, ném còn, leo cột trơn...
Ở lĩnh vực giáo dục-đào tạo, toàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia chống mù chữ, hoàn thành và duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở.
Nhiều chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được triển khai cho vùng DTTS và vùng khó khăn, nên đã huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Có thể khẳng định rằng, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với vùng DTTS, vùng khó khăn đã được thực hiện khả thi và hiệu quả thiết thực. Điều này đã thể hiện tính nhất quán và nhân văn trong chiến lược công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ.
Trần Vũ Hùng