Khởi sắc Kon Tum

16/03/2020 06:06

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Do yêu cầu phát triển của đất nước thời bấy giờ, tháng 10/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết tách Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Khi mới tái lập, Kon Tum gặp nhiều khó khăn, thiếu khốn. Cơ sở hạ tầng gần như không có gì, tỷ lệ hộ dân nghèo đói trên 70%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao kém phát triển.

Gần 30 năm trôi qua, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, Kon Tum có bước đột phá ngoạn mục trên con đường phát triển. Những con đường lớn rộng mở đang phá thế ngõ cụt bao năm. Trước đây, Kon Tum chủ yếu làm nông nghiệp với cây lúa, cây mì, cây bắp trồng trên đất dốc, đồi cao, năng suất thấp, chưa tự chủ về lương thực... nhưng đến cuối 2019, toàn tỉnh có trên 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Khu công nghiệp Hòa Bình, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen..., đặc biệt là 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh (thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và huyện Ngọc Hồi) đã thu hút nhiều nhà đầu tư.

Còn nhớ những năm đầu tách tỉnh, chắt chiu, cần kiệm cả năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn cả tỉnh chỉ trên dưới 10 tỷ đồng. Vậy mà năm 2019, lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt mốc 3.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt trên 9%; thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần 1.800 USD.

Một góc thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, dần hình thành các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh hiện có 27 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai với tổng vốn đăng ký đạt gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn như: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Măng Đen; Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Đen của Tập đoàn Vingroup; Dự án đầu tư trang trại thực nghiệm rau, hoa, củ theo công nghệ Nhật Bản của Công ty cổ phần Nông trại xanh Măng Đen; Dự án đầu tư trang trại hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế của Công ty TNHH Biophap...

Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Khu thương mại - nhà ở cao cấp tại phường Quyết Thắng; Tập đoàn FLC đã khởi công Khu đô thị Legacy cao cấp đầu tiên tại phường Trường Chinh; và mới đây, Tập đoàn TH đã ký biên bản ghi nhớ về đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái... là những tín hiệu vui tạo động lực đưa kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới, đó là kết quả từ việc triển khai những chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá của tỉnh về thu hút đầu tư.

Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, Kon Tum luôn chú trọng hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh chủ động triển khai các thỏa thuận, nội dung hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; chương trình hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia ngày càng tăng cường và phát triển. Bên cạnh đó, Kon Tum đã đẩy mạnh liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh tạo thành các trục liên kết, giao thương nội vùng, liên kết trong nước và quốc tế, phá vỡ thế ngõ cụt của địa phương, hàng hóa được lưu thông thông suốt, tạo “cú hích” mạnh mẽ để sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.

Năm 2019, trước tình hình giá nông sản, như cà phê, cao su, hồ tiêu… vẫn tiếp tục ở mức thấp, tỉnh Kon Tum khuyến khích doanh nghiệp và người dân tăng cường khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiệt hại. Với 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 7 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn, 100 cơ sở chế biến nhỏ lẻ, 7 nhà máy sơ chế mủ cao su…, cơ bản nguồn nguyên liệu nông sản tại địa phương đảm bảo được đầu ra, ngăn chặn được tình trạng nông dân bị ép giá. Các sản phẩm cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, cà phê Đăk Hà, Thanh Hương, Da Vàng, sâm Ngọc Linh, rượu sim, rau hoa xứ lạnh Măng Đen... đã và đang được từng bước thị trường trong nước, nước ngoài đón nhận.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng thăm khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông. Ảnh: XB

 

Việc các địa phương chú trọng, quan tâm xây dựng được những sản phẩm đặc trưng cũng giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh nâng lên hàng năm. Quan trọng hơn là đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được duy trì sự ổn định, có bước phát triển về vật chất lẫn tinh thần.

Ông Hồ Văn Đà - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh chia sẻ: Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Kon Tum vẫn đạt 12/13 mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chủ yếu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương có sự bứt phá quan trọng, tăng 9,96% so với năm 2018. Tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 14.782 tỷ đồng; lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt mốc 3.000 tỷ đồng, đạt 131,8% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 113,3% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%..., là những chỉ tiêu cốt lõi trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tính đến tháng 3/2020, tỉnh Kon Tum có 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng tôi gặp và trò chuyện với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều có chung nhận định: Kon Tum đã thật sự khởi sắc, đổi thay khá nhiều, từng bước chuyển mình đi lên, phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao khá nhiều so với 45 năm về trước, đặc biệt là gần 30 năm từ ngày tái lập tỉnh đến nay.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Y Hếp (thôn Đăk Tang, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) vui mừng cho biết: đời sống dân làng đổi thay nhanh chóng, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, đi lại rất thuận lợi, người dân không còn “chỉ lo cho cái bụng” mà còn hướng đến mặc đẹp, ăn ngon.

Ông A Kiên (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) phấn khởi cho hay: Làng Pu Tá quê ông có trên 40 hộ trồng được cây sâm dây Ngọc Linh từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, đời sống bà con trong xã ngày càng được cải thiện. Còn ông A Grin, dân tộc Ja Rai (làng Lung, xã Ya Xia, huyện Sa Thầy) luôn gương mẫu, đi đầu hướng dẫn bà con trong làng vươn lên, không cam chịu nghèo khó để thoát nghèo, làm giàu trên quê hương của mình.

Phát huy kết quả đạt được trong năm 2019, năm 2020, tỉnh Kon Tum phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trên 12%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.500 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 150 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm từ 3- 4% và có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Những thành tích trên đã minh chứng cho sự chỉ lối, soi đường của những nghị quyết, chính sách hợp ý Đảng lòng dân, góp phần dựng xây quê hương Kon Tum ngày càng phát triển.          

Cao Cường

Chuyên mục khác