Khởi sắc giáo dục vùng đồng bào DTTS ở thành phố Kon Tum

10/04/2019 13:03

Từ năm 2009 đến nay, ngành GD-ĐT thành phố Kon Tum đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục học sinh vùng DTTS nói riêng.

Chăm lo cho học sinh

Năm 2009, thời điểm thành phố Kon Tum mới được thành lập, ngành GD-ĐT thành phố có tổng số 73 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, với 32.890 học sinh, trong đó có 11.911 học sinh DTTS (chiếm tỷ lệ 36,21%).

Lúc này, khó khăn của thành phố là một số xã chưa có trường Mầm non, trường Trung học cơ sở như: Đăk Rơ Wa, Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình. Nhiều trường, điểm trường vùng đồng bào DTTS chưa có nhà vệ sinh, chưa có hệ thống nước sạch cho học sinh. Tình trạng học sinh ở một số thôn làng các xã (Đăk Blà, Đăk Rơ Wa) có đường đi học từ nhà đến trường 5-10km, phải đi qua cầu tràn khá nguy hiểm khi nước dâng cao vào mùa lũ...

Nhớ lại 10 năm giải “bài toán” khó khăn trên, ông Trần Việt Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố cho biết, đơn vị đã tiến hành rà soát, làm việc với đội ngũ cán bộ quản lý các trường học và tiến đến tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các xã, phường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền huy động học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Mặt khác, Phòng GD-ĐT thành phố thường xuyên phối hợp với các phòng chức năng, UBND các xã, phường triển khai chế độ hỗ trợ học tập cho các em kịp thời, đúng các quy định hiện hành, như căn cứ vào Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS giai đoạn 2008 – 2015; Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm 2014-2015; Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non...

Đi đầu thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo trên có Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Chim). Cô Ksor Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng nhớ lại, năm học 2010-2011, đơn vị được thành lập có gần 200 học sinh sinh sống ở các thôn: Klâu Ngol Ngó, Klâu Ngol Yố, Plei Druân. Khó khăn của nhà trường là tỷ lệ chuyên cần học sinh trên lớp chỉ đạt khoảng 80%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi thấp.

Cô Xuân cho biết: Trước thực tế trên, Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch phân công đảng viên, cán bộ, giáo viên đứng lớp sắp xếp thời gian công tác hợp lý tranh thủ vào thời điểm thuận lợi đến từng nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bỏ học, nhằm tìm hiểu gia cảnh và động viên phụ huynh đưa các cháu đến trường. Đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thiếu sách vở, đồ dùng học tập, nhà trường làm việc với UBND xã để rà soát, cấp kinh phí hỗ trợ mua kịp thời theo quy định; các trường hợp còn lại, thầy cô kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhờ vậy, các em trong độ tuổi ra lớp tích cực hơn. Nếu như năm học 2010-2011 với tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh/lớp đạt 80%, thì đến năm học 2017-2018 đã tăng lên 98,8%. Nhờ đi học đều đặn, chất lượng học tập của các em cũng tăng lên. Năm học 2010 - 2011, toàn trường có tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng là 89%, đến năm học 2017-2018 tăng lên 99,5%, trong đó số lượng học sinh có học lực khá, giỏi từ 28% tăng lên 36%.

Học sinh DTTS xã Đăk Rơ Wa trong giờ học chính khóa. Ảnh: Mai Trâm

 

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất   

Bên cạnh việc chăm lo chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh, các trường học ở thành phố còn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp để mở rộng quy mô trường lớp, trang bị thiết bị, đồ dùng dạy và học….

Đến nay, 21 xã, phường trên địa bàn thành phố đều có trường Mầm non, trường Tiểu học, Trung học cơ sở hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học; có tổng số 1.103 phòng đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 96,8%. Các trường học đã thực hiện tốt việc dạy 2 buổi/ngày, đáp ứng ngày càng tốt việc học tập cho học sinh DTTS; trong đó có 9 trường Tiểu học và 31 trường Mầm non tổ chức bán trú nấu ăn tại trường cho trẻ; 6 trường tổ chức cho các em mang cơm đến lớp; 100% trường học được trang bị máy vi tính có nối mạng để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý hành chính, phục vụ dạy học; 100% trường Trung học cơ sở và 10 trường Tiểu học có phòng máy để dạy tin học; các trường cơ bản có đủ nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch cho học sinh sử dụng…

Thành phố cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên ở vùng đồng bào DTTS: Cử cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng chính trị, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; được quan tâm thụ hưởng các chế độ chính sách kịp thời…

Các trường cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như xây dựng kế hoạch dạy phụ đạo, tăng buổi, tăng tiết, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh, dạy học phù hợp với từng đối tượng; tổ chức các chuyên đề dạy học "Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS"; xây dựng môi trường học tập và giao tiếp tiếng Việt thông qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học, đưa trò chơi dân gian, hát dân ca, cồng chiêng, múa xoang vào chương trình sinh hoạt ngoại khoá…, giúp học sinh hứng thú học tập và đi học chuyên cần hơn.

Học sinh DTTS xã Vinh Quang tham gia hoạt động ngoại khóa với chủ đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh: Mai Trâm

 

Đi cùng 10 năm phát triển của thành phố, có thể nói, chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, tổng số học sinh DTTS ra lớp 14.532 em, tăng 2.621 em so với năm học 2009 – 2010. Chất lượng khảo sát nghiệm thu, bàn giao trẻ mẫu giáo 5 tuổi hàng năm đều đạt 100% và năm 2016 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Học sinh tiểu học người DTTS hoàn thành chương trình lớp học là 98,4% và 100% hoàn thành chương trình tiểu học nhiều năm liền. Đối với giáo dục trung học cơ sở, học lực của học sinh DTTS xếp loại trung bình trở lên đạt 97,59% và 99,8% học sinh được công nhận tốt nghiệp.

Mai Trâm

Chuyên mục khác