Khơi dậy sức mạnh nội sinh

04/02/2023 06:50

110 năm - mốc thời gian đủ dài để có thể thấy sự thay đổi vượt bậc từ cảnh vật, con người, cơ sở hạ tầng ở Kon Tum. Trong sự chuyển mình vượt bậc ấy, nổi bật lên là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Từ gian khó, cam go, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh nội sinh, cùng với Đảng bộ, chính quyền đạt được những thành tựu nổi bật.

Sinh ra trong những ngày tháng đất nước còn chìm trong nỗi thống khổ “một cổ hai tròng” thực dân nửa phong kiến, giờ đây, chứng kiến tỉnh nhà đổi thay từng ngày, ông Đào Duy Tồn, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum không giấu được niềm vui mừng. 97 tuổi, hình ảnh Kon Tum qua những thời kỳ, những giai đoạn vẫn in đậm trong tâm trí của người cán bộ tiền kháng chiến.

Bằng sự chiêm nghiệm của mình, ông Tồn nói rằng, từ trong hoang tàn chiến tranh, các anh em, dân tộc trên địa bàn tỉnh một lòng gắn kết, keo sơn, chia ngọt sẻ bùi, đồng lòng vượt khó. Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp với tỷ lệ mù chữ và tỷ lệ hộ nghèo cao ngất ngưởng, đường sá bịt bùng ở thế ngõ cụt, bây giờ, Kon Tum có các cụm công nghiệp, các khu du lịch, cơ sở hạ tầng phát triển vượt bậc, tốc độ phát triển kinh tế ngày càng ổn định. Như bao người dân khác, ông quá đỗi tự hào.

Giữ gìn các bản sắc văn hóa. Ảnh: HT

 

Nổi bật trong sự phát triển ấy là tinh thần đoàn kết. Qua bao thời kỳ, giai đoạn lịch sử, anh em các dân tộc luôn luôn gắn bó keo sơn, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Cũng như ông Tồn, ông A Ginh, làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy vẫn nhớ như in những ngày mình làm con nuôi của bộ đội. Với tinh thần cách mạng và ý chí quật cường, ông đã cùng tham gia chiến đấu, góp sức giành độc lập, tự do cho dân tộc. Lớn lên từ cái nôi cách mạng, gắn bó với mảnh đất biên giới, ông Ginh khẳng định: Bà con nhân dân ở trên địa bàn biên giới, dù người Kinh hay Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng đều đoàn kết, gắn bó với nhau. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân là một cột mốc sống, giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất biên cương. So với trước, cuộc sống đã khác nhiều. Với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con biết cách hỗ trợ nhau vượt khó.

Chị em phụ nữ liên kết cùng xây dựng các mô hình kinh tế; Hội Nông dân cũng xây dựng nhiều mô hình tương trợ. “Bà con đồng lòng tham gia các phong trào, cuộc vận động do tỉnh, huyện, xã phát động. Đặc biệt, luôn nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc” - tiếp lời ông A Ginh, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi Trần Lệnh Tuyến cho biết.

Không riêng xã Rờ Kơi, tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế được thể hiện hàng ngày trong đời sống ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần đó, riêng năm 2022, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, tỉnh ta đã duy trì và xây dựng mới được 435 mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, huy động được hơn 48,6 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ hơn 5.900 hộ nghèo, cận nghèo làm ăn kinh tế, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Kinh tế phát triển ổn định, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được cải thiện. Và, trong nhịp sống hiện đại, việc giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc luôn được chú trọng. Ở Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Hà... những ngôi nhà rông truyền thống được dựng nên bằng cả sức mạnh của tập thể. Những lễ hội truyền thống được phục dựng. Họ cùng nhau giữ gìn bản sắc để con cháu sau này hiểu về truyền thống của dân tộc tự bao đời.  Các ngôi làng trên địa bàn tỉnh đều vang vọng tiếng chiêng cồng. Người già truyền dạy cồng chiêng cho người trẻ; các bà, các mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các thiếu nữ.

Là người đam mê văn hóa, ông A Jar, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum vui mừng  trước tinh thần giữ gìn văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Điểm lại một số sự kiện văn hóa nổi bật, ông nhấn mạnh: Khi cùng góp sức giữ gìn bản sắc văn hóa, cùng tổ chức các lễ hội, làm nhà rông, tinh thần đoàn kết được thể hiện rõ ràng nhất. Ở đó, bà con cùng giao lưu, cùng chia sẻ, cùng động viên nhau giữ gìn. Nếu không có sức mạnh đoàn kết, bà con không thể làm nhà rông; nếu không có sức mạnh đoàn kết, làm sao có thể có các đội cồng chiêng với đủ các thế hệ.

Các dân tộc gắn bó, các tôn giáo cũng đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc. Linh mục Đỗ Hiệu- Giáo xứ nhà thờ Tân Hương chia sẻ rằng, mỗi người có đạo đều chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng cố gắng góp sức dựng xây Kon Tum thêm giàu đẹp.

Người dân chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ảnh: H.T

 

Thông tin thành phố Kon Tum đạt đô thị loại 2 trở thành niềm vui của toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 9,5% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt 52,44 triệu đồng, đạt 100,84% kế hoạch. Đó là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền; và cũng là kết quả của việc khơi dậy sức mạnh nội sinh.

Trong buổi gặp mặt đại diện các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ trí thức, chức sắc các tôn giáo, kiều bào và thân nhân kiều bào trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trung Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định: Trải qua các giai đoạn lịch sử, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và mở rộng; sự đồng thuận xã hội ngày càng được tăng cường, dân sinh, dân trí và dân chủ được phát huy. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Kon Tum phát triển, người dân được thụ hưởng những thành quả chung. Và mỗi người dân lại càng có thêm niềm tin, động lực, quyết tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.     

Hoài Tiến

Chuyên mục khác