Khó khăn trong xử lý vi phạm hành lang ATĐB

10/06/2023 06:20

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tổng số vi phạm hành lang an toàn đường bộ (ATĐB) từ trước đến nay trên toàn tỉnh là 4.874 trường hợp; trong đó, đã tuyên truyền, vận động tự giác tháo dỡ 2.437 trường hợp, cưỡng chế tháo dỡ 76 trường hợp. Hiện, toàn tỉnh vẫn còn hơn 2.400 trường hợp chưa tháo dỡ.

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ hành lang ATĐB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là thiếu nguồn lực. Đơn cử như thực hiện theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2008-2010, ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp UBND cấp huyện, xã thực hiện thống kê, rà soát các công trình vi phạm hành lang ATĐB cần giải tỏa để tổng hợp kinh phí đền bù. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp, kinh phí để thực hiện giải tỏa quá lớn dẫn đến không có nguồn lực thực hiện. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 994/QĐ-TTg đề ra phạm vi giải tỏa là những công trình có nguy cơ gây mất ATGT và công trình nằm trong phạm vi đất của đường bộ nhưng cũng không thực hiện được vì không có kinh phí.

Căn nhà cấp 4 nằm trong hành lang ATĐB trên Quốc lộ 40B ở thị trấn Đăk Tô. Ảnh: PN

 

Ngoài ra, đa số công trình xây dựng mới hoặc các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường, do không đủ kinh phí nên chỉ giải phóng đền bù mặt bằng trong phạm vi thi công, không có kinh phí để giải tỏa và thu hồi đất trong phạm vi hành lang ATĐB.

Theo Thanh tra Giao thông vận tải tỉnh, tình trạng vi phạm hành lang ATĐB vẫn xảy ra là do ý thức chấp hành của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ hành lang ATĐB còn hạn chế. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước thay đổi qua nhiều giai đoạn lịch sử, các công trình vi phạm trong hành lang ATĐB tồn tại qua các giai đoạn lịch sử nên việc xác định mốc thời gian vi phạm là rất khó khăn. Trong đó, không ít trường hợp chính quyền địa phương cấp đất, cấp giấy phép xây dựng trong hành lang ATĐB.

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp đặc biệt vi phạm hành lang ATĐB như: Nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà và công trình nằm trên thửa đất ngắn không còn đất xây dựng (phía sau là đồi hoặc sông); công trình tường rào tạm để bảo vệ tài sản, sân bê tông, nhà thấp hơn mặt đường dân xây tường chắn đất và để ngăn nước không trôi vào nhà khi có mưa.

Ngoài ra, qua quá trình đôn đốc, theo dõi, vẫn còn một số chính quyền cấp xã, huyện thực hiện chưa quyết liệt các nội dung kế hoạch của UBND tỉnh về xử lý vi phạm hành lang ATĐB; còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, công tác tuyên truyền vận động tự giác tháo dỡ chưa được tổ chức thường xuyên.

Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: P.N 

 

Huyện Đăk Tô là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt công tác bảo vệ hành lang ATĐB, tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như trên tuyến Quốc lộ 40B, qua rà soát có 38 trường hợp vi phạm, trong đó, 12 trường hợp vi phạm đã tháo dỡ, 6 trường hợp sau khi vận động đã tháo dỡ 1 phần công trình vi phạm, vẫn còn 20 trường hợp vi phạm năm 2008 vẫn chưa tháo dỡ.

Theo cán bộ địa chính- xây dựng thị trấn Đăk Tô, trong quá trình xử lý vi phạm hành lang ATĐB, đối với các trường hợp vi phạm hành lang ATĐB từ năm 2008 dù đã vận động nhưng các hộ không chấp hành tháo dỡ. Bởi theo các hộ, công trình nhà của họ đã xây dựng trước năm 2006, thậm chí có nhà còn được xây dựng từ năm 1990.

Điều đáng nói, có một số trường hợp trong giấy chứng nhận QSD đất không thể hiện lộ giới đường hoặc có thể hiện nhưng phần diện tích nằm trong hành lang ATĐB đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất. Ngoài ra, một số công trình, dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường chỉ đền bù giải phóng mặt bằng trong phạm vi thi công, không giải tỏa, thu hồi đất trong phạm vi hành lang ATĐB dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

Trong khi chờ có những chính sách mới, thì các đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, hành lang ATĐB; vận động người dân không lấn chiếm, vi phạm hành lang ATĐB, tạo cho đường thoáng, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.       

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác