Khó khăn trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

21/08/2019 13:06

Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động cùng nhiều chế độ khác. Nhưng qua 10 năm triển khai, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh vẫn khá thấp; công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đang gặp nhiều khó khăn.

Tính đến 31/7/2019, toàn tỉnh có 1.755 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 939 người (115,07%) so với cuối năm 2018. Tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện là 0,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh có tăng qua các năm, nhưng mức tăng rất chậm.

Ông Phạm Lê Thọ - Trưởng phòng Khai thác - Thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết: Tham gia BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động cho đối tượng tham gia. Thế nhưng, tại Kon Tum, hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động đã đóng BHXH bắt buộc nay tiếp tục đóng để hưởng lương hưu chứ có rất ít người dân tự tìm đến với loại hình BHXH này. Việc phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của BHXH tỉnh, sở dĩ BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn với người dân, trước hết, do đây là chính sách mới nên người dân chưa quan tâm nhiều và chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chính sách. Mặt khác, đóng BHXH tự nguyện khá cao, yêu cầu đối tượng đóng phải có mức thu nhập tương đối ổn định; trong khi đời sống của đa số người dân trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp và bấp bênh. Thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm, đòi hỏi người tham gia phải kiên trì, tin tưởng; vả lại, phạm vi quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế (hiện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất) nên người dân chưa mặn mà.

Cán bộ BHXH huyện Kon Plông hướng dẫn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: TVP 

 

Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần chi phí, nhưng mức hỗ trợ thấp nên chưa thực sự hấp dẫn người dân tham gia.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT thời gian gần đây tuy có những đổi mới, nhưng chưa thường xuyên, liên tục và chưa phủ rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người lao động tự do, người lao động trong các gia đình hộ nông, lâm nghiệp, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Công tác thu BHXH tự nguyện được thực hiện thông qua bưu điện, đại lý thu, cán bộ đại lý kiêm nhiệm nên kiến thức, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân về chính sách BHXH tự nguyện hạn chế, chưa sâu rộng…

Theo ông Phạm Lê Thọ, công tác khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngày càng trở nên khó khăn hơn, nếu như không có các giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện thì rất khó đạt được mục tiêu chung về bao phủ BHXH trên địa bàn tỉnh. Để đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành BHXH tỉnh đang tích cực phối hợp các cấp chính quyền trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT đến tận thôn, làng, tổ dân phố; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho từng đại lý thu và công chức, viên chức trong toàn ngành. Theo đó, đối với đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị BHXH từ tỉnh đến các huyện, thành phố, mỗi năm, mỗi người phải thu hút được ít nhất 3 người tham gia; viên chức làm công tác thu, khai thác thu nợ, mỗi người phát triển ít nhất 2 người/năm; viên chức, người lao động còn lại mỗi người phát triển ít nhất 1 người/năm.

Hiện nay, BHXH tỉnh cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức hội nghị khách hàng về BHXH tự nguyện tại tất cả các huyện, thành phố; củng cố, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tổ chức đào tạo, phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên đại lý thu ngoài hệ thống bưu điện, cộng tác viên ở cơ sở, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Công tác thi đua, khen thưởng cũng được ngành BHXH triển khai thường xuyên, kịp thời nhằm động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành BHXH đang nỗ lực để gỡ khó cho “bài toán” phát triển BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, để mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện đạt kết quả cao cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích lâu dài, bền vững để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác