Khi trẻ em lên tiếng

15/08/2023 06:10

Nếu là người đang hút thuốc, bạn nghĩ gì khi được xem những tiết mục của các cháu thiếu nhi về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Cuộc thi các đội, nhóm tuyên truyền măng non vừa diễn ra tối 12/8?

Tham gia Cuộc thi các đội, nhóm tuyên truyền măng non có 7 đội tuyên truyền măng non, với gần 100 tuyên truyền viên thiếu nhi, đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tôi rất quan tâm đến phần thi sân khấu hóa và phần thi hùng biện. Bởi đây là 2 phần thi chính, nơi các đội thể hiện quan điểm, góc nhìn về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa ra những thực trạng và giải pháp, đặc biệt là trong giáo dục, nâng cao ý thức phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tôi không biết bạn nghĩ gì khi được xem những tiết mục ấy, riêng với tôi, tuy mang hình thức, nội dung, cung bậc và tiết tấu khác nhau, nhưng các tiết mục đều rất thành công khi thể hiện được mơ ước của con trẻ về “Cuộc sống không khói thuốc”.

Trẻ em lên tiếng về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: HL

 

Tôi lại nhớ đến hai câu chuyện, ở hai thái cực của cùng một “cuộc chiến” với thuốc lá.

Chuyện thứ nhất trong gia đình nhỏ, giữa một ông bố trẻ nghiện thuốc lá với cô con gái đòi bố bỏ thuốc lá.

Bạn bè, người thân đều biết, Tuấn- tên của ông bố trẻ ấy- nghiện thuốc lá! Mỗi lần gặp, gần như lúc nào cũng thấy cậu ta kẹp điếu thuốc trên tay, quần áo ám mùi khói thuốc.

Nghe vợ cậu ta “tố”, khi đi ngủ, gói thuốc và bật lửa luôn để trên đầu giường, cứ mở mắt ra, việc đầu tiên là quờ tay tìm điếu thuốc, hút xong mới đi vệ sinh cá nhân.

“Thà bỏ ăn chứ không… bỏ thuốc” từng là tuyên bố “ngạo ngược” của Tuấn. Đôi khi, nó cũng là câu nói cửa miệng của không ít người nghiện thuốc lá.

Và khi bé Bơ, con gái Tuấn, đủ lớn, cô bé tham gia “cuộc chiến” buộc bố bỏ thuốc lá một cách hồn nhiên nhưng kiên quyết. Chỉ cần bố không phải đi làm là cô bé theo chân bố mọi lúc, mọi nơi, cứ thấy bố châm lửa đốt điếu thuốc là cô bé “thu hồi”.

Ở nhà cô bé giúp mẹ dẹp bỏ gạt tàn, giấu những gói thuốc lá hút dở, kiểm tra dấu hiệu khói thuốc trên quần áo để “phạt”.

Sau đó, với sự hướng dẫn của mẹ, cô bé vẽ những bức tranh về tác hại của thuốc lá, rất ngộ nghĩnh nhưng thực tế, treo khắp nhà. Thậm chí còn đề nghị các chú, bác- bạn của bố- tham gia “phe mình” giúp bố bỏ thuốc.

Với sự kiên quyết và kiên trì ấy, cô bé đã giúp bố bỏ thuốc lá thành công, tất nhiên là không dễ dàng. 

Chuyện thứ hai, ở ngay trong nhà ông anh tôi. Anh có “thâm niên” hơn 30 năm hút thuốc lá, nên hay đùa “thuốc lá là người tình trăm năm”.

Nhưng một ngày, anh tuyên bố đoạn tuyệt với thuốc lá. Và trong sự nghi ngờ của mọi người rằng “lần này cũng như lần trước”, thì đã 3 tháng liền không ai bắt gặp anh vi phạm, dù chỉ một lần.  

Lý do được hé lộ. Hóa ra anh chia tay “người tình trăm năm” chỉ vì bắt gặp cậu con trai học lớp 7 lén tập hút thuốc lá trong nhà tắm. Hẳn là đang tập nên cậu bé bị ho vì sặc khói, nhờ vậy gia đình mới phát hiện.

Và anh đã sốc khi nghe cậu con thú nhận là “trông bố hút thuốc rất… ngầu”. Chị vợ anh tức điên lên quát: Con có biết hút thuốc lá rất hại cho sức khỏe hay không, nhất là với trẻ vị thành niên? Thì cậu bé trả lời “bố cũng hút thuốc đấy thôi, mà có làm sao đâu”.

Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống thuốc lá. Ảnh: HL

 

Kể lại 2 câu chuyện trên để thấy rằng, công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá không chỉ cần tập trung đến đối tượng “người lớn hút thuốc lá”, mà còn phải lưu ý đến trẻ em, cả ở khía cạnh “chịu tác hại thụ động” và “chịu tác hại chủ động”.

Ở khía cạnh “chịu tác hại thụ động” từ thuốc lá, những trẻ có cha mẹ hút thuốc bị bệnh thường xuyên hơn, phổi phát triển kém hơn những trẻ bình thường nên dễ bị viêm phế quản và viêm phổi hơn.

Khói thuốc có thể gây ra cơn hen suyễn ở trẻ em. Một cơn hen suyễn nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Khía cạnh thứ hai, “chịu tác hại chủ động” từ thuốc lá, tức là tình trạng trẻ em hút thuốc lá đang có dấu hiệu gia tăng. Theo số liệu được Bộ Y tế thông tin tại lễ phát động Chiến dịch Nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi (tổ chức ngày 13/8/2023), tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 năm 2020 là 13%; tỷ lệ hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi năm 2022 là 1,9%.

Những năm gần đây, xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, nên mặc dù chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, nhưng việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Theo điều tra năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%.

Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Rõ ràng là, bên cạnh các giải pháp về pháp lý, kinh tế, môi trường, thì truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực kiểm soát thuốc lá.

Do đó cần tăng cường nỗ lực tập thể để cảnh báo mọi người ở mọi lứa tuổi về tác hại nghiêm trọng mà việc sử dụng thuốc lá có thể gây ra cho các cá nhân và gia đình, và gánh nặng chi phí đáng kể mà việc này đặt lên các hộ gia đình và hệ thống y tế.

Đặc biệt là hãy tạo điều kiện và cơ hội để trẻ em lên tiếng về tác hại của thuốc lá, lên tiếng về mong ước một cuộc sống không khói thuốc lá.

Khi các em lên tiếng, là các em sẽ ý thức được trách nhiệm của mình về xây dựng “thế hệ trẻ không thuốc lá”.  

Hồng Lam

Chuyên mục khác