Khi Tổ quốc cần, họ dám hy sinh

23/12/2021 06:12

Ngày 22/12 năm nay, tôi chỉ muốn viết về vài người bạn là quân nhân, và những câu chuyện thường ngày của họ. Mà ở đó, tôi nhận ra, để hoàn thành trách nhiệm một quân nhân, họ dám và sẵn sàng hy sinh.

1. Trong số bạn bè của tôi, có nhiều người đã trải qua quân ngũ; không ít người hiện vẫn đang gắn bó với nghiệp binh. Cũng nhờ vậy mà tôi biết rất rõ rằng, thời bình, không có nghĩa người lính bớt gian khổ và hy sinh.

Có khác chăng, không có mưa bom bão đạn, mà họ vượt qua gian khổ, hy sinh và cống hiến trong lặng thầm để giữ trọn niềm tin yêu trong lòng dân, với tên gọi đầy tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”.

Một người trong số ấy ở gần nhà tôi, là sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn, hiện đóng quân ở Gia Lai. Gần nhà, lại cùng tuổi nên chúng tôi thường chuyện trò, chia sẻ về công việc và cuộc sống.

Anh là con liệt sĩ. 46 năm trước, trong đoàn quân giải phóng lấm láp bụi đường tiến về giải phóng Sài Gòn có cha anh. Nhưng trong trận đánh cuối cùng tại Bộ Tổng tham mưu Ngụy, ông đã ngã xuống.

Hơn 20 năm quân ngũ, dấu chân của anh đã in khắp núi rừng Tây Nguyên; đã trực tiếp tham gia, chỉ huy hàng chục cuộc hành quân giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong cơn bão số 9/2020, anh và đồng đội trắng đêm vào tận từng nhà vận động, rồi đưa người dân đến nơi sơ tán an toàn. Họ dầm mình trong mưa lũ, cõng người già, dìu trẻ em, chở tài sản; chia sẻ luôn cả phần thức ăn, nước uống của mình cho bà con.

Khi lũ rút, bộ đội còn ở lại giúp dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Hết ngày dài đến đêm thâu miệt mài với muôn vàn công việc.

Bộ đội giúp dân vùng lũ dọn dẹp, di dời nhà cửa. Ảnh: HL

 

Hơn 20 năm quân ngũ, số ngày trọn vẹn anh ở bên vợ con trong năm đếm chưa hết hai bàn tay. Số lần anh có mặt ở nhà đón giao thừa với vợ con lại càng ít, đếm không hết một bàn tay. Ngày lễ, ngày thường anh cũng đi biền biệt. Nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, gần 2 năm trời, anh chỉ về nhà được đôi lần.

Khi vợ sinh đứa con thứ hai, anh cố gắng thu xếp để được ở bên, nhưng khi vợ trở dạ thì đơn vị được lệnh báo động hành quân đột xuất. Là sĩ quan chỉ huy, không thể rời đội hình đơn vị trong lúc này. Thế là khi chị lên bàn mổ thì anh cũng lên xe xuống đơn vị. Hoàn thành nhiệm vụ, về nhà thì con bé đã biết bò.

Lâu thật lâu mới về được một ngày, anh lại lụi hụi cuốc đất trồng rau; sửa lại cái chuồng gà; buộc lại hàng rào; mua tôn lợp lại mái bếp bị thủng. Rồi tíu tít đưa con đi dạo. Anh như muốn bù lại cho vợ những ngày tháng vắng chồng, bù đắp cho con những ngày tháng vắng cha.

Nhưng đêm xuống, khi con trẻ say giấc, chiếc xe biển số đỏ phủ kín bụi đỏ lại lặng lẽ đỗ dưới bóng cây, chờ anh lách qua khe cổng hẹp, để lại phía sau, khuất dưới tán cây bóng người vợ lặng lẽ nhìn hút theo chiếc xe biến mất vào bóng đêm.

Chồng đi xa dằng dặc, nhưng lạ một điều, tôi chưa bao giờ nghe chị phàn nàn. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà chị cáng đáng hết, vừa làm mẹ, vừa làm cha, nuôi dạy 2 đứa con.

Trong một lần trò chuyện, anh kể rằng, cũng đã có lúc nao núng, muốn xin chuyển ngành để được ở gần nhà. Nhưng trong bức thư gửi anh, chị đã viết một câu, khiến anh lại có động lực tiếp tục con đường đã chọn.

Lá thư ấy, mười mấy năm nay anh vẫn luôn đem theo bên mình. Trong đó có câu: Khi Tổ quốc cần, chúng ta dám hy sinh!  

2. Mấy năm qua, vào ngày 22/12 hàng năm, chúng tôi thường tổ chức một buổi gặp mặt đơn giản mà ấm cúng dành cho những người bạn thân thiết đang trong quân ngũ.

Nhưng hầu như chưa một buổi nào có mặt của anh Độ, một sĩ quan làm nhiệm vụ ở Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Đó là một đội quân đặc biệt, được thành lập đúng vào ngày 27/7/2000, tiền thân là Đội quy tập mộ liệt sĩ của tỉnh.

Lý do rất đơn giản: Khi mùa khô đến, cũng là lúc anh cùng đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, cất bốc, hồi hương các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại nước bạn Lào và Campuchia về nước.

Ba lô trên vai, dao cuốc làm bạn, hết ngày dài đến đêm thâu, anh và đồng đội lặng lẽ làm bạn với núi rừng, sông suối thâm u, thăm thẳm nơi đất khách quê người. Bước chân của họ đã in khắp các nẻo rừng ở 3 tỉnh Nam Lào và tỉnh Rattanakiri (Campuchia) để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng.

Có thể nói, những chuyến đi đã trở thành một phần máu thịt của anh suốt mười mấy năm qua. Những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất cũng gửi lại những cánh rừng trên đất bạn. 6 tháng mùa khô cũng là 6 tháng xa nhà biền biệt.

Quy tập mộ liệt sĩ trên đất Campuchia. Ảnh: HL

 

“May mà tớ có hậu phương vững chắc”- anh thường tếu táo nói, nhưng khóe mắt lại rưng rưng.

Còn ở nhà, người vợ- “hậu phương vững chắc” của anh- thì luôn đau đáu nghĩ về những ngày tháng lặn lội nơi rừng thiêng nước độc của chồng mà lo lắng. Càng lo hơn với căn bệnh đau dạ dày kinh niên của anh. Dẫu biết vất vả, nguy hiểm là điều tất nhiên, nhưng người ở nhà có khi nào bớt lo cho người đi xa đâu?

Mỗi lần nhớ đến vụ tai nạn của anh trên đất Lào tháng 3/2008, chị lại khóc. Hôm ấy, sau khi quy tập được 1 hài cốt liệt sĩ, trên đường trở ra gặp mưa lớn, dốc trơn, xe ô tô mất thắng, lật nhào xuống đèo, anh bị gãy xương cẳng tay trái và 4 xương sườn.

Khi anh về “nhà” điều trị vết thương, chị xót quá, khuyên xin chuyển sang đơn vị khác. Nhưng anh lắc đầu: Vì nhiệm vụ, khó khăn mấy cũng phải vượt qua.

Thế là ít ngày sau, chị giấu nước mắt vào trong, sửa soạn quân phục, tư trang cho anh, rồi đèo anh ra đơn vị. Bởi chị biết, những chuyến đi không đơn thuần là nhiệm vụ, mà còn là một phần cuộc sống của của anh, là nghĩa cử với bậc cha, chú đã hy sinh.

Khác với mọi năm, ngày 22/12 năm nay, tôi chỉ muốn viết những chuyện thường ngày của quân nhân. Để thấy rằng, luôn có những cống hiến và hy sinh trong lặng thầm, góp phần neo giữ niềm tin yêu của nhân dân về đoàn quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

Tự hào là trong đoàn quân trùng điệp ấy, có những người bạn của tôi!

Hồng Lam

Chuyên mục khác