13/07/2019 06:17
Xã Đăk Psi có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, khoảng 25.548,867 ha; trong đó, đất có rừng 22.647,87 ha, đất chưa có rừng 2.900,997 ha; rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng 339ha; rừng do UBND xã quản lý 3.541,6ha.
Hầu hết, dân số ở xã Đăk Psi là người Xơ Đăng, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, sản xuất nương rẫy là chính. Vì vậy, tình trạng xâm hại rừng, phá rừng làm nương rẫy vẫn còn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Từ thực tiễn trên, tháng 5/2018, Hội LHPN xã Đăk Psi thành lập mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ rừng” với 30 thành viên là hội viên Chi hội phụ nữ thôn Kon Pao Kram.
Chị Y Vân - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Psi cho biết, gia đình của các hội viên, phụ nữ tham gia mô hình đều đang nhận giao khoán rừng với diện tích mỗi hộ hơn 10 ha. Từ trước đến nay, công việc này đều do người đàn ông trong gia đình thực hiện. Với mô hình này, chúng tôi muốn chị em tham gia nhiều hơn, chủ động hơn, trách nhiệm hơn vào việc quản lý, bảo vệ rừng.
Cứ đều đặn 3 lần/tháng, các thành viên tham gia mô hình chia thành nhiều nhóm để luân phiên, thay nhau đi tuần tra rừng nhằm kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; chủ động phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát.
Chị Y Huy - Chi hội trưởng phụ nữ thôn, Chủ nhiệm mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ rừng” thôn Kon Pao Kram cho hay, thời gian đầu thành lập, vì địa hình đồi núi phức tạp và sức khỏe có hạn, nhiều chị em phụ nữ vẫn chưa quen với việc đi tuần tra. Nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ trách nhiệm trong tập thể nên mọi người nhanh chóng quen dần với việc đi rừng mỗi tháng vài lần.
Thực hiện Quy chế hoạt động của mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ rừng” do Hội LHPN xã Đăk Psi ban hành, các thành viên tham gia mô hình thường xuyên được tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng trong các buổi sinh hoạt định kỳ.
Nhờ vậy, khi tham gia mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ rừng”, nhận thức và trách nhiệm bảo vệ rừng của các thành viên được nâng cao rõ rệt; số lượng hội viên, phụ nữ đăng ký tham gia mô hình cũng tăng lên. Đến nay, mô hình đã thu hút được 47 hội viên phụ nữ tham gia.
|
Anh Nguyễn Đình Đăng Khoa - Cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Psi (Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà) cho biết, các hội viên, phụ nữ tham gia mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ rừng” của thôn Kon Pao Kram đều chấp hành, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người được giao khoán rừng. Bên cạnh đó, các chị em còn luôn chủ động tìm hiểu, học hỏi, trau dồi kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng để chia sẻ cho những người thân trong gia đình và những người xung quanh; góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật của người dân địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Anh Khoa cũng chia sẻ, xã Đăk Psi là địa bàn “nóng” về quản lý bảo vệ rừng của huyện Đăk Hà. Việc các hội viên, phụ nữ tham gia mô hình thực hiện ký cam kết “Gia đình không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng” đã góp phần giảm thiểu các vụ xâm hại rừng, khai thác lâm sản trái phép cũng như lấn chiếm rừng làm nương rẫy trong thời gian qua.
Từ những kết quả đạt được của mô hình ở thôn Kon Pao Kram, trong thời gian tới, Hội LHPN xã Đăk Psi sẽ tiếp tục thành lập thêm 2 mô hình tương tự tại Chi hội phụ nữ thôn 5 và thôn 8 - Chị Y Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Psi “bật mí”.
Đức Thành