18/06/2018 18:39
5h sáng thứ 2, chị khe khẽ đặt đôi bàn tay bé bỏng của con ra khỏi bầu ngực, bịn rịn nhìn con rồi lật đật chuẩn bị hành trang, bắt xe đi làm. Nhà ở thành phố Kon Tum nhưng làm tại Đài Truyền thanh truyền hình huyện Ia H’Drai, đường sá xa xôi, chị phải chấp nhận cảnh sống xa con.
“Sinh được 6 tháng, tôi phải gửi con cho ngoại chăm giúp rồi lên huyện làm. Mỗi ngày, để con không bị thiếu sữa mẹ, tôi phải vắt sữa ra bình, gởi xe đò mang về cho con” - đôi mắt rưng rưng, chị kể.
Gọi điện, nhìn con qua điện thoại, nghe con khóc ré, nước mắt chị cứ thế trào ra. Những lúc con khóc, con đau, không thể ở bên cạnh; con tập lật, tập bò, chị cũng chẳng thể ở bên; rồi khi con tập nói, chị cũng chẳng được cận kề giúp cháu bi bô… Mỗi ngày về, thấy con mỗi lớn, chợt chạnh lòng, chị thấy mình vô tâm với con.
“Nhiều lúc muốn buông xuôi, bỏ tất cả để về với con nhưng vì cuộc sống, vì trách nhiệm với công việc tôi phải chấp nhận. Thương con xót cả ruột gan nhưng biết làm sao được”- chị ngậm ngùi.
Vậy mới nói, làm báo, với đấng mày râu đã khó, với phụ nữ lại càng khó hơn. Nhất là khi có con nhỏ hay những ngày tháng bụng mang dạ chửa, công việc như trở thành một thử thách lớn.
Một chị bạn khác làm bên Đài Truyền hình tỉnh, ngày biết mình có bầu cũng là lúc niềm vui liền xen lẫn với sự lo lắng. Hiểu rằng, những tháng đầu thai kỳ cần lắm sự nhẹ nhàng, tránh vận động nặng, đi lại nhiều. Thế nhưng, thực tế công việc của một phóng viên dường như không cho phép những mẹ bầu được “đi nhẹ, nói khẽ”.
4 tuần đầu, chóng mặt, ốm nghén, nôn đến xanh xao nhưng chị vẫn phải rong ruổi đến những huyện xa xôi: Đăk Glei, Kon Plông, thậm chí phải leo bộ lên đến chốt sâm của huyện Tu Mơ Rông.
“Bác sĩ dặn phải hạn chế đi lại, nhưng vì công việc vẫn phải đi làm. Tôi phải uống thuốc dưỡng thai trong suốt 3 tháng đầu để giữ con. Khi đi làm, miệng cứ cầu nguyện, mong cho con bình an thôi” – chị nói.
Bầu tháng thứ 7, bụng vượt mặt, chị vẫn chống gậy leo lên đến Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum; rồi vào Đăk Sao, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) để viết bài. Đi xe dằn xóc rồi leo bộ đến quặn cả bụng nhưng chị vẫn cố gắng. Suốt 9 tháng trời, hai mẹ con cùng trèo đèo, lội suối, vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Qua giai đoạn bầu bì, những bà mẹ “bỉm sữa” lại tiếp tục với công việc. Đúng là thiệt thòi như có mẹ làm phóng viên. Không làm theo giờ hành chính, nhiều lúc, 7-8h tối, mẹ vẫn phải có mặt ở hiện trường, từ trưa đến tối con phải bú bình, nhờ cậy hết vào bà nội, bà ngoại.
Nhưng đâu phải ai cũng may mắn có nội, ngoại ở gần. Với nhiều phóng viên, con nhỏ, không có ông bà ở gần, công việc lại phải rong ruổi, nghĩ đến thôi đã thấy khó khăn bủa vây. Thứ Bảy, Chủ nhật, nhiều lúc có chương trình đột xuất, mẹ phải địu con trên lưng, chở đến tận nơi, vừa làm, vừa trông con. Nhiều chương trình ban đêm, con cũng băng sương, cùng mẹ đi làm.
Con lớn một chút, đi học ở trường, việc đưa đón con cũng trở nên khó khăn với mẹ làm phóng viên. “Trưa nay, chị đón cháu, cho cháu ăn giúp em, chiều em mới về kịp” – vừa đi làm, chị bạn tôi phải rối rít gọi điện nhờ hàng xóm. Chị tâm sự, nhờ hàng xóm đón con nhiều đến ngại ngần. Nhưng chồng đi làm xa, công việc chị lại phải đi huyện, không còn cách nào khác, đành phải dày mặt sang nhờ hàng xóm.
Cả ngày bận rộn, tối về đến nhà, dù mệt rã rời nhưng với thiên chức một người mẹ, một người vợ, những nữ phóng viên lại vui vẻ vào bếp, nấu một bữa cơm đầm ấm; cùng trò chuyện với chồng con để bù đắp những thiếu thốn. Loay hoay với việc nhà, khi mọi việc xong xuôi, cũng là lúc chồng con đã yên giấc. Và lúc ấy, họ lại rón rén bật màn hình máy tính, cọc cạch viết bài…
Vì đặc thù công việc, nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, bất lực khi mình không thể lo chu toàn cho gia đình. Bởi vậy, họ thật sự rất cần được hiểu, được chia sẻ, cảm thông để giảm bớt áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống. Và sự thấu hiểu sẽ là nguồn động viên lớn để họ vượt qua những khó khăn, gắn bó với nghề, có những tác phẩm tràn đầy sự yêu mến của độc giả.
Bình An