Khi phụ nữ làm báo

21/06/2023 13:14

Những tháng cuối của thai kỳ, tôi mới cảm nhận rõ nét những nhọc nhằn của phụ nữ khi làm báo.

Chuyến công tác về huyện Sa Thầy trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Đường đang thi công, đá dăm lởm chởm, bụi tung mù mịt. Trời nắng nóng, đến thở cũng thấy mệt. Đi đến xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) chỉ muốn quay xe trở về, nhưng công việc, đâu thể nói thôi là thôi. Nhân vật đang đợi, bài kế hoạch cũng sắp đến hẹn nên dù bụng gò lên từng cơn vì đường giồng, sốc, vẫn ráng lái xe vượt qua những hố gà, hố voi ngang dọc. Ngày trước, chỉ mất tầm 45 phút để đi được từ thành phố Kon Tum đến Sa Thầy. Bây giờ, đồng hồ đã trôi qua hơn 1 tiếng đồng hồ mà quãng đường phía trước vẫn còn xa tít tắp.

Ở địa điểm hẹn, các nhân vật cũng nóng ruột vì đợi lâu nên phút chốc lại gọi điện rối rít. Dẫu vậy, khi thấy phóng viên nữ, bụng vượt mặt vẫn vượt đường xa để đến gặp gỡ, thành ra những nếp nhăn phút chốc hóa thành nụ cười động viên.

Phóng viên nữ Báo Kon Tum và Đài PT- TH tỉnh tác nghiệp tại vùng sâu. Ảnh: TÚ QUYÊN

 

Sau vài ba câu hỏi chuyện thân tình, công việc bắt đầu. May mắn, ai nấy đều hợp tác để mọi việc được diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ. Thậm chí, khi nói đến việc chụp hình, mọi người cũng sắp xếp để phóng viên được về với địa điểm gần nhất, thuận tiện nhất để đảm bảo an toàn. Chỉ thế thôi, cũng cảm thấy được động viên, an ủi phần nào.

Đối với phụ nữ, chọn nghề báo tức là đã sẵn sàng chọn cho mình những truân chuyên với nghề. Bởi nghề báo cần phải đi, dấn thân vào thực tế mới có được những tác phẩm nhiều cảm xúc và chất lượng. Trải qua giai đoạn làm quen với nghề, những nữ phóng viên rồi cũng sẽ quen với công việc, quen với những chuyến về vùng sâu, vùng xa; quen với cảnh thức thâu đêm để hoàn thành bài viết; quen với cảnh con chữ chập chờn trong tiếng ru con. Thế nhưng, phải đến khi bầu bì, mới thấm thía được những khó nhọc, áp lực mà nghề mang lại.

Những chuyến công tác đi các xã, các huyện trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều lúc ngồi trên con ngựa sắt, đầu cứ nghĩ gàn dở, rồi lại “chém mồm, chém miệng” để tập trung lái xe an toàn. Đôi khi bụng gò, chân tê, lại suy nghĩ, hay thôi cứ quẩn quanh xung quanh thành phố, nhưng vì trách nhiệm với công việc, lại cố gắng đi thực tế.

Trở về nhà sau một chuyến công tác một cách an toàn, bình an đã thấy vui trong lòng và vơi bớt những lo toan về đề tài, về kế hoạch. Với tư liệu thu thập được, khi mọi người yên giấc, nữ phóng viên lại cặm cụi bên máy tính, lọc cọc viết để kịp thời gian nộp.

Phụ nữ làm báo, ai rồi cũng phải trải qua cảnh con bầu bì, con mọn. Tôi nhớ, chị đồng nghiệp từng kể, khi mang thai tháng thứ 7, vì công việc, chị vẫn phải chống gậy, leo lên tận Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum ở huyện Tu Mơ Rông. Khi trở về, cơ thể tê ì, thế mà vẫn phải cố gắng hoàn thành kế hoạch. Để sau này, khi nhìn con ngày một lớn, chị lại nhớ về kỉ niệm năm xưa rồi thầm cười bảo: mình cũng liều thật.

Còn chị bạn khác, vì chưa đến ngày dự sinh nên chị vẫn đăng ký đi huyện Kon Plông để làm bài chuyên mục. Xe cộ đã liên hệ, nhân vật cũng đã hẹn nên chị đinh ninh sáng hôm sau sẽ lên đường. Thế nhưng, chị chuyển dạ và sinh ngay trong đêm, dù vậy, chị cố liên hệ, báo lại để mọi người khỏi chờ đợi. Vậy đấy, phụ nữ khi chọn nghề báo sẽ chấp nhận khó khăn, vất vả nhiều hơn để vừa sống được với đam mê nghề nghiệp, vừa làm tròn bổn phận của người phụ nữ trong gia đình.

Nói khó nhọc là thế nhưng thực chất việc làm báo cũng giúp phụ nữ năng động hơn, linh hoạt hơn và có nhiều cái nhìn mới mẻ hơn. Với lòng yêu nghề, đam mê, mỗi người làm báo đều tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn.

Bình An

Chuyên mục khác