Khi đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm

20/03/2024 06:27

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), bà con đồng bào DTTS thành phố Kon Tum đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, qua đó đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, nâng cao.

Thực hiện Kết luận số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện Cuộc vận động gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, cấp phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, chú trọng xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc, chủ lực là Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các xã, phường đã huy động các nguồn lực, xã hội hóa tổ chức xây dựng mô hình điểm tại các khu dân cư. Hiện các địa phương đang triển khai 147 mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, như cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, trồng mía, mì, bí Nhật xuất khẩu, nuôi gà bản địa, bò, heo, dê, làm hàng rào, trồng cây xanh, trồng hoa các tuyến đường.

Đơn cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kroong và các hội, đoàn thể của xã đã hỗ trợ 112 hộ ở 2 làng DTTS trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm thông qua 12 mô hình trồng mắc ca, mì, mía, bí Nhật, thanh long ruột đỏ, nuôi dê, gà bản địa, với tổng kinh phí gần 587 triệu đồng.

Đàn dê của gia đình anh A Bái. Ảnh: DN

 

Năm 2021, anh A Bái (thôn Kroong Klah, xã Kroong) là 1 trong 15 hộ nghèo của xã được hỗ trợ 3 cặp dê. Mỗi năm dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con, nên chỉ sau 3 năm, đàn dê nhà A Bái đã sinh sôi nảy nở lên hơn 40 con.

Anh A Bái nói: Khi được xã vận động nuôi dê, mình cũng hơi e ngại vì chưa nuôi bao giờ, nhưng sau đó được cán bộ xã hướng dẫn, học thêm trên mạng, thấy rất dễ nuôi và không tốn chi phí mua thức ăn. Hàng ngày, mình đi làm rẫy kết hợp chăn thả cho ăn lá cây, cỏ tự nhiên. Dê chăn thả nên rất được ưa chuộng, không có để bán; 1 con dê bán lấy thịt có giá từ 2-3 triệu đồng, gia đình mình thu trên 30 triệu đồng/năm từ bán dê. Gia đình còn trồng cà phê, cao su, mắc ca, lúa, mì và chăn nuôi thêm bò, tổng thu nhập cũng trên 100 triệu đồng/năm.

Thấy hiệu quả từ mô hình nuôi dê của gia đình anh A Bái, nhiều bà con trong thôn đã học hỏi, mua dê giống về nuôi như hộ anh A Rin, từ 1 cặp ban đầu, giờ đã thêm được 4 con. Cùng với nuôi dê, 15 hộ nghèo còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm chuyển hướng trồng trọt, chăn nuôi nên đến nay tất cả đã thoát nghèo.

Mô hình nuôi bò thịt ở thôn Kơ Năng, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum. Ảnh: D.N


Ông Nguyễn Đình Nhiên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy xã, UBND xã đã triển khai thí điểm một số mô hình phát triển kinh tế cho hộ đồng bào DTTS, như mô hình trồng bí Nhật xuất khẩu, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng mía cao sản, chăn nuôi dê, nuôi bò sinh sản, bò lấy thịt. Các mô hình đã mang lại lợi ích kinh tế cao, thu nhập bình quân của các hộ DTTS đã tăng lên 44 triệu đồng/năm (thu nhập bình quân chung của xã là 46 triệu đồng/năm). Xã sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có nhiều hộ DTTS được tham gia. Nghiên cứu cây con giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, tìm doanh nghiệp có năng lực ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định để nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo báo đánh giá của Thành ủy Kon Tum, sau 3 năm thực hiện Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đa số các hộ DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm; bỏ dần các hủ tục, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ DTTS nghèo và cận nghèo giảm hàng năm, như năm 2021 giảm 4,3%, năm 2022 giảm 3,3% và năm 2023 giảm 2,2%; 98,9% hộ biết áp dụng KHKT vào sản xuất, biết sử dụng máy cày, máy kéo, công nông thay sức người, biết chọn giống cây tốt, con tốt cho năng suất cao hoặc những cây công nghiệp có giá trị, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, tưới nước tự động, nước nhỏ giọt, bạt phủ giữ ẩm đất; 551 hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăm sóc cà phê vối, dệt thổ cẩm, du lịch, trồng cây ăn trái.

Bà Y Geo - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Kon Tum cho biết: Được sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã hướng dẫn MTTQ các xã, phường triển khai các mô hình phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa bàn và chủ thể, nên các mô hình đều mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục hướng dẫn MTTQ các xã, phường và ban công tác mặt trận khu dân cư tiếp tục theo dõi đánh giá các mô hình đang triển khai. Đặc biệt, phát huy vai trò người uy tín tại cộng đồng dân cư; lấy tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động làm tuyên truyền viên để lan tỏa và nhân rộng các mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tạo chuyển biến mạnh mẽ, bền vững trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân.         

Dương Nương

Chuyên mục khác