03/07/2017 07:17
Đến xã biên giới Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) vào một ngày tháng 6- địa bàn mà phần lớn dân số là đồng bào DTTS, chúng tôi đã cảm nhận được những đổi thay tích cực về đời sống văn hóa- xã hội của địa phương.Dường như có một "luồng sinh khí mới" đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết đã nhiều năm nay người dân ở đây đã tự nguyện triển khai rộng rãi "mô hình kết nghĩa” nhằm tương trợ, giúp xóa đói giảm nghèo và tăng cường an ninh giữa các thôn, làng tại xã biên giới này.
|
Vừa gặp tôi, ông A Nghiêm - người dân thôn Giang Lố 1 đã vui vẻ cho biết: Những năm trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, vất vả, nhưng từ khi gia đình tôi kết nghĩa với gia đình chị Đặng Thị Sự ngay sát bên cạnh nhà nên hai gia đình đã thường xuyên qua lại, thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, đau ốm và hướng dẫn gia đình tôi cách chi tiêu trong gia đình, giúp cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ thế, từ chỗ là hộ nghèo, giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo. Tình cảm giữa hai gia đình chúng tôi ngày càng khăng khít, coi nhau như những người thân trong cùng một gia đình.
Nhiều năm trước đây, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong xã Sa Loong chủ yếu dựa vào việc đốt nương làm rẫy, trình độ dân trí thấp, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Lợi dụng tình trạng này, các đối tượng xấu đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân theo tà đạo Hà Mòn, bỏ bê công việc làm ăn nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tình hình an ninh - chính trị trong các thôn, làng diễn biến phức tạp. Nhờ việc tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành và thực hiện mô hình kết nghĩa giữa các thôn làng người Kinh với thôn làng người đồng bào DTTS, kết nghĩa giữa các hộ người Kinh với hộ người DTTS nên đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở các thôn làng phát triển đáng kể, tình hình an ninh ở các thôn đã ổn định, tình trạng thanh niên giữa các thôn đánh nhau đã không còn.
Ông Trần Sỹ Hải - Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết: Xã Sa Loong hiện có 6 thôn với gần 1.400 hộ, 5.600 khẩu. Tất cả 6 thôn trên địa bàn xã đều tổ chức kết nghĩa với nhau, trong đó thôn Cao Sơn kết nghĩa với thôn Giang Lố 2; thôn Đăk Vang kết nghĩa với thôn Giang Lố 1; thôn Hào Lý kết nghĩa với thôn Bun Ngai. Ngoài 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các thôn làng kết nghĩa còn ký cam kết thực hiện thi đua: Xây dựng khu dân cư “An toàn về an ninh trật tự” không có thanh niên đánh nhau; không tổ chức đám cưới tảo hôn, cán bộ, đảng viên không dự đám cưới tảo hôn; 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường; không sử dụng xe độ chế trái pháp luật; không phát nương làm rẫy trái phép; không tuyên truyền đạo trái phép; không khiếu kiện đông người, vượt cấp trái pháp luật…
Việc kết nghĩa giữa các thôn làng trên địa bàn xã Sa Loong không chỉ đảm bảo về an ninh trật tự mà các hộ ở các thôn làng còn xóa bỏ nhiều hủ tục, không nghe lời kẻ xấu, giúp nhau về kinh nghiệm chăm sóc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, sử dụng giống có năng suất cao, khai thác lợi thế về tiềm năng đất đai và lao động tại địa phương, nâng cao đời sống cho các thôn làng có đông đồng bào DTTS. Giờ đây, bên cạnh những nếp nhà truyền thống đã có thêm những ngôi nhà xây giá trị tiền tỷ, nhà nhà đều có xe máy, máy cày và các phương tiện sản xuất khác...
Giờ đây, người dân trên địa bàn xã Sa Loong coi nhau như người một nhà; cùng sẻ chia những lo toan cuộc sống, họ vui với niềm vui bình dị, đời thường của chính sự đổi thay tích cực đang hiển hiện trong mỗi gia đình người dân nơi đây. Và chắc chắn rằng, tình đoàn kết, sự tương thân tương ái giữa các dân tộc ở đây sẽ là chất keo, tạo nên sự phát triển vững bền trong cộng đồng các dân tộc anh em ở địa phương vùng biên giới Sa Loong của huyện Ngọc Hồi.
Đắc Vinh