Khát vọng vươn lên tầm cao mới

09/11/2020 06:03

Giữa những bộn bề khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, tâm thế của mỗi người dân Kon Tum vẫn trở nên phấn chấn hơn. Một trong những nguyên nhân tạo nên năng lượng tinh thần tích cực đó là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã bắt trúng mạch nguồn khát vọng đưa tỉnh nhà vươn lên tầm cao mới của mỗi người.

Dấu ấn từ “3 đột phá”

Nhiệm kỳ 2015-2020 để lại nhiều dấu ấn hết sức đặc biệt, trong đó có Chỉ thị 20 - CT/TU ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019”. Theo đánh giá của ông Ka Ba Tơ- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, việc lựa chọn 3 lĩnh vực đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; cải cách thủ tục hành chính là hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược nhưng cũng rất sát thực tế.

Để thực hiện thành công “3 đột phá”, trong năm 2019,  UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đa dạng hóa, huy động và sử dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng sâm Ngọc Linh (tháng 9/2018). Ảnh: H.L

 

Vì vậy, kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc; thành phố Kon Tum ngày càng khang trang, các công trình mang tính động lực, có tính lan tỏa cao của tỉnh đã và đang hoàn thành, như Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại (tổng mức đầu tư 298,65 tỷ đồng) của Tập đoàn Vingroup; Dự án tổ hợp khách sạn trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum (tổng vốn đầu tư 1.332 tỷ đồng); nhiều dự án phát triển đô thị trên địa bàn được cho chủ trương đầu tư.

Không chỉ ở thành phố Kon Tum, mà hoạt động chỉnh tranh đô thị cũng lan rộng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; hạ tầng thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H'Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, cụm xã được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ.

Ở mũi đột phá về nông nghiệp, bước đầu hình thành các vùng trồng dược liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển 10 loài dược liệu thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Đến nay, đã hình thành được 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nhận 2 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, mì và cây ăn quả… Công nghiệp chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, dược liệu gắn với thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Đối với cải cách hành chính, tỉnh đã quyết liệt thực hiện mũi đột phá là thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh (tháng 7/2019). Nhờ vậy, công tác cải cách thủ tục hành chính bảo đảm yêu cầu 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân; tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ. 100% xã, phường, thị trấn triển khai bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã…

Ghi nhận của phóng viên Báo Kon Tum tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho thấy không còn cảnh người dân phải chờ lâu hoặc đi lại nhiều lần khi đến làm thủ tục hành chính.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: T.V.P 

 

Ông Hoàng Văn Nam, một người dân trú tại đường Trường Chinh, thành phố Kon Tum cho biết không gặp khó khăn gì khi tới làm thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn kinh doanh. "Theo quy trình được hướng dẫn niêm yết công khai tại trung tâm, tôi chỉ cần mang hồ sơ gốc như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh thư, hộ khẩu gia đình tới, mọi thủ tục thế chấp vay vốn đều được cán bộ trung tâm hướng dẫn thực hiện, mình chỉ việc ký vào hồ sơ thôi. Các cán bộ trung tâm làm việc có trách nhiệm, mọi thủ tục được thực hiện rất nhanh gọn, không phải chờ đợi lâu", ông Nam chia sẻ.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước (SIPA) trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2019 đã tăng lên 18 bậc, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố là kết quả đáng ghi nhận của những nỗ lực trên.

Tháng 9/2020, tỉnh Kon Tum tiếp tục “ghi điểm” khi khai trương Trung tâm điều hành thông minh. Ðây là hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công… Từ đó, cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn.

Khát vọng vươn lên tầm cao mới

Trên nền tảng đã có, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ mới là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).

Đối với nông nghiệp, mục tiêu hướng tới là đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Vì vậy, sẽ tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh, như đảng sâm, đương quy, đinh lăng; phấn đấu diện tích sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha. Tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Cầu Đăk Bla - cửa ngõ vào thành phố Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai, xác lập và phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ tại các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Sa Thầy, Ia H'Drai, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum và ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi. Khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết thực hiện bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giá trị cao.

Trong lĩnh vực du lịch, với mục tiêu thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, tỉnh sẽ chú trọng liên kết, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, bản sắc văn hoá của các DTTS nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và các khu, tuyến, điểm du lịch khác trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu riêng.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt là các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế.

Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng tại khu trung tâm hành chính của tỉnh, các dự án chỉnh trang đô thị, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, các khu sản xuất tập trung để nâng cấp thành phố Kon Tum sớm đạt đầy đủ các tiêu chí đô thị loại II; huyện Ngọc Hồi sớm đạt tiêu chí đô thị loại IV; huyện lỵ các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai đạt các tiêu chí đô thị loại V. Tiếp tục huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y để phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sao Mai và các khu, cụm công nghiệp.

Có thể không phải bất cứ người dân Kon Tum nào cũng có thể hiểu rõ chủ trương 3 đột phá chiến lược mà tỉnh đã triển khai cụ thể là những gì.

Nhưng một điều chắc chắn, nếu hỏi về những thay đổi của tỉnh trong thời gian qua, họ sẽ tự hào mà chia sẻ với bạn bè, du khách về những thay đổi vượt bậc của diện mạo đô thị, sự xuất hiện của những tuyến đường lớn, những công trình hoành tráng, hay sự phát triển vượt trội trong sản xuất nông nghiệp (với sự xuất hiện của nhiều trang trại ứng dụng công nghệ cao), trong cải cách hành chính, mà điển hình là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Bởi đó là những thành quả rõ nét của tỉnh mà mỗi người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm nhận được bằng "mắt thấy, tai nghe" và đã, đang được thụ hưởng.

Và đó cũng là lý do để họ tin tưởng vào thành công của tỉnh nhà trên chặng đường chinh phục tầm cao mới.        

Hồng Lam

Chuyên mục khác