Khát vọng Măng Ri

08/04/2017 08:14

​Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Măng Ri- xã vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông nổi danh với Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu căn cứ Tỉnh ủy thời kháng chiến chống Mỹ. Từ huyện lỵ, mất gần 30 phút chạy xe với quanh co đèo dốc là tới trung tâm xã. Con đường không xa, vùng đất không lạ, mà tôi bỡ ngỡ như người lần đầu đến đất mới...

Bởi vì anh quên Măng Ri rồi đấy mà - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bá Thành trách khéo khi tôi kể về cảm giác của mình. Nhưng tôi thì biết rất rõ, sự bỡ ngỡ ấy bắt nguồn từ diện mạo mới của vùng căn cứ cách mạng này. Đây này, những con đường, những ngôi nhà, những ruộng lúa, rẫy cà phê... đều ngời sức sống, ngời khát vọng vươn lên mà chỉ có đến tận nơi ta mới cảm nhận được.

Đồng chí Chủ tịch ạ, tôi làm sao quên được chuyến đi đầu tiên đến Măng Ri vào năm 1999, khi ấy vẫn còn là xã Măng Xăng, tham gia chuyến hành quân Về nguồn do Đoàn thanh niên tổ chức. Phát cây mà đi, níu dây mà leo dốc, núi rừng mênh mông, đường mòn hiu quạnh, hiếm hoi lắm mới thấy bóng người.

Rồi chuyến đi tháng 7/2001, khi Măng Ri được thành lập, vẫn những con đường đất mảnh như sợi chỉ, chạy vòng vèo, nối các thôn làng. Người dân Măng Ri bám ruộng, rẫy, hàng tháng đôi ba lần xuống xã đã là xa, bàn chân quen với gai góc, bụi bờ, đầu óc không nắm bắt kịp cái hay, cái mới. Anh bạn nhà thơ trong ngày khoác ba lô lên dạy ở Măng Ri đã viết: “Buổi sáng mây như đang bơi. Những chòi giữ rẫy liêu xiêu treo trên sườn đồi. Đỏ quạch đường, đỏ quạch con dốc. Oằn mình cơn gió đông Trường Sơn...”.

8 năm về trước, tháng 9/2009, Măng Ri trở thành “rốn lũ”, chịu sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 9. Những quả đồi bị sạt lở loang lổ; những cánh đồng lúa bị san phẳng; đất sản xuất, nhà cửa của người dân bị cuốn trôi; một số ngôi làng phải di dời để tránh lở núi…

Trong lần trở lại này, với tôi, Măng Ri đã đổi mới rất nhiều. Con đường độc đạo vào xã phẳng phiu, uốn lượn qua các sườn núi. Những thôn, làng nằm ven đường, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang xanh màu lúa, bắp. Gặp lại anh bạn làm thơ vẫn bám trụ với Măng Ri, giọng thơ không còn buồn nữa, mà lấp lánh niềm vui: “Cầu nhịp đã nối. Phù sa hồi sinh. Đồi trọc đã đơm chồi...”.

Và tôi nhận ra một điều: Dù là trước đây, hay bây giờ, khát vọng vươn lên của đất và người Măng Ri chưa bao giờ lụi tàn, mà ngược lại, luôn trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo số liệu từ UBND xã, toàn xã có 148,5ha lúa nước vụ mùa, 34,3ha lúa rẫy; 182,9ha cà phê chè, trong đó 90ha đã cho thu hoạch; 290ha bời lời; 30,2ha bo bo; 31,3ha mì; tổng đàn gia súc, gia cầm 4.660 con. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 67,1%, giảm 8,4% so với năm 2015. Y tế, giáo dục có bước phát triển vững chắc, xã được công nhận duy trì bền vững phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, phổ cập tiểu học và THCS; 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Người dân Măng Ri thu hoạch mì. Ảnh: T.H

 

Mà thôi, hãy xếp qua bên những con số thống kê khô khan ấy đi để cảm nhận sự đổi thay ấy. Không ồn ào, mạnh mẽ như những nơi khác, mà sự thay đổi ở Măng Ri đang hiện diện ở từng mái nhà, từng gian bếp, từng mảnh vườn. Đúng là núi rừng Măng Ri đang bừng sáng từng ngày. Cái lạnh giá của đại ngàn, sự heo hút của đồi núi đã nhường chỗ cho sự no ấm, trù phú, yên bình...

Tôi đứng bên này suối, háo hức ngắm cây cầu treo nối thôn Ngọc La với khu sản xuất tập trung của cả 3 thôn Chung Tam, Đăk Dơn, Ngọc La bên kia cầu, hút tầm mắt là lúa nước, mì, bời lời, cà phê xứ lạnh... Bên cạnh tôi, chị Y Hiền (thôn Ngọc La) đang rủ rỉ kể: Trước kia, bà con có đất rẫy ở khu sản xuất này đi lại rất khó khăn, đi bộ qua cầu tạm, đường mòn hàng giờ đồng hồ mới vào đến được.

Nông sản làm ra bán còn khó hơn, vì thương lái không thể vào đến tận nơi thu mua mà bà con phải gùi về làng. Bây giờ có cầu mới, đường được mở rộng, bà con đua nhau phục hóa ruộng rẫy để phát triển kinh tế. Riêng gia đình mình, ngoài 1ha cà phê cho thu hoạch, đang chuẩn bị trồng thêm 0,5ha bời lời, 0,5ha cà phê - Y Hiền tủm tỉm cười.

A Róc - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri chia sẻ: Bây giờ cuộc sống của bà con đã sung túc hơn trước rất nhiều. Ngoài việc sản xuất lương thực để tự đảm bảo cuộc sống hàng ngày, bà con còn trồng sâm dây (hồng đẳng sâm), cà phê, bo bo… Đặc biệt, sâm dây được xem là một trong những loại “cây thoát nghèo” của bà con nơi đây, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện xã đã trồng được hơn 30ha.

Nhắc đến chuyện sâm mới nhớ, Măng Ri từng được mệnh danh là “thủ phủ của sâm”, kể cả sâm Ngọc Linh lẫn sâm dây. Thôi thì chưa thể đưa sâm Ngọc Linh thành cây trồng phổ biến trong dân bởi tính đặc hữu của nó, nhưng sâm dây, loại cây dược liệu có tên trong sách đỏ Việt Nam từ năm 1996, thì dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp để trồng ở nương rẫy.

Và thực tế, từ hơn 10 năm trước bà con đã lấy hạt sâm dây từ rừng về trồng trong nương rẫy của gia đình. Điều thuận lợi là sâm dây rất thích hợp với hình thức trồng xen và không ảnh hưởng tới cây trồng chính. Dẫu chưa thể làm giàu, song đã có không ít hộ gia đình thoát nghèo nhờ những cây dược liệu đặc hữu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Vì thế, trong thời gian này, xã đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện để quảng bá, xây dựng Măng Ri thành vùng trọng điểm cây dược liệu của huyện. Vẫn có người băn khoăn rằng, trồng sâm dây có thể xóa đói giảm nghèo cho bà con được không? Câu trả lời từ thực tế là “hoàn toàn có thể” anh ạ. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực chung, sự hỗ trợ của trên, khát vọng vươn lên và làm giàu từ rừng mà không phải chặt phá rừng sẽ thành sự thật trong một tương lai không xa... - Chủ tịch Thành cho biết.

Trên đường ra huyện, tôi gặp 2 cô gái đang lui cui bên đống củ mì chờ xe tới chở. Thấy tôi giơ ống kính lên, 2 cô cười thật tươi. Nhớ lại lời Chủ tịch Thành, tôi thoáng nghĩ: Ít năm nữa đi qua đây, biết đâu sẽ gặp lại chính 2 cô gái này đang thu hoạch sâm dây, chuẩn bị bán cho thương lái với giá trị cao hơn nhiều lần so với đống củ mì này?

Chợt thấy vui vui với suy nghĩ ấy. Ngày này chắc không xa nữa đâu, 2 cô nhỉ!

Thành Hưng

Chuyên mục khác