04/09/2017 15:37
Huy động học sinh ra lớp
Những ngày này, sau các buổi chiều tan trường, từng tốp học sinh khối lớp 5 (Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) tranh thủ tập trung ở nhà nghệ nhân A Biu để tập múa xoang, đánh cồng chiêng chuẩn bị ngày hội khai trường sắp đến (5/9).
Em Y Liên vui vẻ nói: Các bạn tham gia tập luyện đánh cồng chiêng đều là thành viên đội cồng chiêng nhí của trường. Chúng em tập luyện thật tốt, để điệu múa hòa nhịp tiếng cồng chiêng đi biểu diễn trong ngày hội khai trường thật hay. Tụi em rất háo hức mong chờ đến ngày khai giảng…
|
Cô giáo Đậu Thị Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cho biết, các năm học gần đây, thực hiện chỉ đạo của ngành GD&ĐT các cấp, công tác chuẩn bị tổ chức ngày hội khai trường tiết kiệm nhưng phải chu đáo và có ý nghĩa. Do đó, khai giảng năm học mới này, nhà trường tổ chức ngắn gọn phần lễ, dành thời gian tổ chức các hoạt động như văn hóa - văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian, múa lân rồng… cho các thầy cô giáo và học sinh tham gia.
Theo cô Lan, hiện tại, nhà trường đã hoàn thành việc trang trí không gian trường lớp sạch đẹp, treo băng rôn “Quyết tâm thi đua dạy tốt – học tốt năm học mới 2017-2018” để chuẩn bị tổ chức tốt ngày khai hội khai trường cho 700 học sinh vào ngày 5/9 sắp tới.
Vùng thuận lợi là thế, còn các trường học ở vùng sâu vùng xa cho đến thời điểm hiện nay vẫn tiếp tục huy động một số học sinh còn lại ra lớp. Tại xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), thầy giáo Trần Trọng Nghị - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Đăk Pne cho hay, các năm học trước, các thầy cô giáo đã nỗ lực vận động đạt 100% các cháu trong độ tuổi đi học tham gia ngày hội khai trường. Tuy nhiên, sau đó, trong năm học vẫn có học sinh nghỉ học rải rác.
Khó khăn của năm học này vẫn thế. Toàn trường có kế hoạch đón 130 học sinh ra lớp và hiện nay, các thầy cô rất vất vả trong công tác huy động các em ra lớp. Nguyên nhân là do đang trong mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn, nhiều hộ dân có tập quán đi rẫy ở rừng sâu vài tuần mới về và đưa con em theo. Bên cạnh đó, nhận thức và việc chăm lo học tập cho con em của các gia đình thuộc diện nghèo rất ít được quan tâm, nên các thầy cô giáo vẫn phải trèo đèo, lội suối hàng chục ki lô mét đường rừng đến rẫy nhà dân. Tại đây, các nhà giáo vừa thăm hỏi công việc mưu sinh, vừa vận động phụ huynh đưa các em về nhà đi học.
“Khó khăn, vất vả như thế nhưng các thầy cô đều không nề hà, chỉ mong các em học sinh sẽ có mặt đầy đủ trong ngày hội khai trường. Các cô giáo còn cẩn thận mua bánh kẹo chuẩn bị tổ chức liên hoan nho nhỏ mừng ngày khai trường ở lớp cho các bạn sắp tới…” - thầy Nghị chia sẻ.
Chăm lo cho học sinh khó khăn
Ông Thầy Đặng Nhẫn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy cho biết thêm, khó khăn và lo lắng nhất vẫn là học sinh THCS ở các xã vùng đặc biệt khó khăn đến nay vẫn chưa ra lớp hết. Các thầy cô công tác khu vực này đang nỗ lực phối hợp chính quyền cơ sở vận động các em ra lớp. Hiện tại, toàn ngành cũng đang tìm các giải pháp tích cực, tạo điều kiện cho các em ra lớp tươm tất, như chỉ đạo trường học vùng thuận lợi kêu gọi học sinh tặng sách cũ (không sử dụng nữa) cho các bạn vùng khó; huy động từ phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện quyên góp đạt kinh phí tương đương như năm ngoái chừng 100 triệu đồng, nhằm hỗ trợ phần thưởng, học bổng khuyến khích cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nghèo hiếu học tiếp tục đến trường. Mặt khác, huy động các bậc cha mẹ đóng góp thực phẩm tự trồng ở nhà, củi đun để tổ chức nấu ăn bán trú, nội trú cho các cháu tại một số đơn vị trường.
Riêng ở thành phố Kon Tum, thông qua Quỹ Khuyến học của địa phương, các tổ chức và cá nhân quan tâm hỗ trợ kinh phí, xe đạp và trao học bổng cho 100 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có trang phục, phương tiện, đồ dùng học tập đến lớp. Mặt khác, phong trào kết nghĩa giữa các trường vùng thuận lợi với các vùng khó khăn đã giúp cho 200 lượt học sinh con hộ nghèo, cận nghèo có đủ sách vở học tập.
Cũng trong tháng 8 vừa qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh và nhiều sở, ngành đỡ đầu các thôn làng khó khăn trong tỉnh hay các doanh nghiệp đã trao các loại học bổng “Tiếp sức cho học sinh đến trường”, “Hành Trình cuộc sống”, “Ươm mầm tương lai”… đến 2.000 học sinh; tặng 200 xe đạp, xe lắc và 3.200 bộ đồ dùng học tập cho các em thuộc hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, sự quan tâm, hỗ trợ của toàn xã hội là cơ hội tốt giúp các em học sinh vượt khó đến trường; đồng thời, giúp cho ngành GD&ĐT vận động hết số trẻ trong độ tuổi ra lớp có điều kiện học tập tốt hơn.
Mai Trâm