Khai giảng không bóng bay

07/09/2019 06:02

Không bóng bay mà thay vào đó là những lá cờ đỏ sao vàng được các em mang tới trong Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 là điều khác biệt, dễ nhận thấy nhất so với khai giảng các năm học trước không chỉ riêng ở Kon Tum mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Chiều mùng 4/9, tới đón con ở một trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Kon Tum như thường lệ, cậu con trai đang học lớp 2 đứng trong sân trường thấy mẹ chạy ào ra. Sau “màn chào hỏi”, cậu ta líu lo: Mẹ ơi, cô dặn ngày mai khai giảng không được mua bóng bay mang tới trường đâu! Tôi giả bộ hỏi: Vì sao thế con? Cậu nhanh nhảu: À, cô bảo là bóng bay sau khi mình thả, sẽ bay lên trời rồi nổ, rồi rơi xuống sẽ gây ra chất thải nhựa rất khó phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta...

Nghe con nói mà tự nhiên lòng vui đến lạ! Vui vì ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đã có những hành động thiết thực chung tay bảo vệ môi trường sống, thông qua đó là tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các con ngay từ khi còn nhỏ để có những hành động đúng đắn chung tay bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn. Vui nữa là vì thấy con đã lớn, đã hiểu chuyện hơn.

Chính vì vậy mà sáng của ngày khai giảng năm nay khác hẳn với ngày khai giảng của những năm học trước. Nếu như những năm trước, cứ đèo con tới cổng trường là thấy cảnh ùn tắc, bởi phụ huynh dừng xe mua bóng bay cho con để thả lên trời gửi gắm ước mơ. Mặc dù không bắt buộc nhưng không ít ông bố, bà mẹ tặc lưỡi “con họ có, con mình cũng phải có chứ không thì tội nó, có đáng bao nhiêu tiền đâu” - với suy nghĩ đó mà hầu hết phụ huynh nào cũng mua cho con, ít thì 1 quả, nhiều thì cả chùm. Vì vậy mà năm nào cũng tắc đường, cũng ồn ào, náo nhiệt, nhiều phụ huynh còn phải “bon chen” mãi mới đưa con vào được sân trường để kịp giờ làm lễ khai giảng.

Năm nay, dạo qua vài trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố Kon Tum trong buổi sáng sớm chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, nhiều trường vắng tanh không thấy bóng dáng người bán hàng rong. Nhiều trường thay vì bán bóng bay như những năm trước thì bán những lá cờ đỏ sao vàng. Cổng trường thông thoáng, không còn cảnh chen lấn.

Cờ Tổ quốc được bán tại cổng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum. Ảnh: DN

 

Tại cổng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum, một thanh niên đang đứng chờ bán cả một chùm bóng bay đủ màu sắc trước cổng trường chia sẻ: “Mình không nghe thông tin gì về việc các trường không cho học sinh mua bóng bay, cứ tưởng như mọi năm nên mua một mớ bóng về”.

Cờ Tổ quốc được bán phổ biến gồm 2 loại: Loại bằng giấy có giá 5.000 đồng và loại bằng vải có giá 10.000 đồng, có que cầm được làm từ cây le, gỗ. Anh bán hàng vừa bán vừa quảng cáo: Lá cờ Tổ quốc được làm bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường. Sau khai giảng các con có thể mang về, đặt trang trí trên bàn học hoặc cất đi dùng cho khai giảng năm sau, vừa tiết kiệm lại vừa bảo vệ môi trường…”.

Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ việc chuẩn bị năm học mới, chuẩn bị khai giảng và cả khai giảng sớm ở một số trường. Điều đáng lưu tâm là ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, các trường học đều dạy học sinh “nói không” với hành động thả bóng bay lên trời - hành động tưởng nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao cả hiện tại và tương lai.

Cổng Trường Tiểu học Ngô Quyền và Trường Mầm non Thực hành Sư phạm thông thoáng, không có người bán hàng rong. Ảnh: DN

 

Còn nhớ cuối tháng 7 vừa qua, bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 6, Trường Marie Curie (Hà Nội) đã viết thư ngỏ gửi thầy hiệu trưởng và các thầy, cô giáo trong trường với nội dung: “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển” và bày tỏ mong muốn các trường hãy dừng thả bóng bay trong ngày khai giảng.

Thông điệp “không thả bóng bay trong lễ khai giảng” để bảo vệ môi trường, đã nhanh chóng truyền cảm hứng đến nhiều người. Đề xuất này của Nguyệt Linh đã được thầy hiệu trưởng khen ngợi và ủng hộ. Nhiều trường trên địa bàn Hà Nội cũng đã không thả bóng trong lễ khai giảng năm học mới này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gửi thư khen ngợi hành động của Nguyệt Linh: “Việc không thả bóng bay kèm theo những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ có ý nghĩa hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa… Bác hy vọng rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu bằng hành động nhỏ của con”.

Có thể thấy, việc sử dụng Cờ Tổ quốc thay cho những quả bóng đủ màu trong ngày khai trường còn là hành động thiết thực giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi người con đất Việt khi cầm trên tay lá cờ đỏ, sao vàng; đồng thời, cũng để thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường sống xung quanh, vì sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của Quốc gia.

Dương Nương

 

 

Chuyên mục khác