05/01/2025 13:14
Thời gian qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh đã có 49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 36 xã được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí cũ của giai đoạn 2010 - 2020 và 13 xã được công nhận theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021- 2025.
Có thể khẳng định, chương trình xây dựng nông thôn mới giúp diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã gặp không ít khó khăn, trở ngại, một trong những thách thức lớn nhất là nhiều xã nông thôn mới đã không duy trì được kết quả đạt được.
|
Ông Nguyễn Tấn Liêm- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2022, các xã nông thôn mới bắt đầu áp dụng theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021- 2025; vì vậy, sau khi rà soát, đánh giá lại, nhiều xã trên địa bàn tỉnh, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa được công nhận trong giai đoạn 2010- 2021 đã bị “rớt chuẩn”. Điều này xuất phát chủ yếu từ yếu tố khách quan, đó là, số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí mới tăng so với giai đoạn trước 8 chỉ tiêu (từ 49 lên 57 chỉ tiêu) và yêu cầu mức độ đạt chuẩn của từng chỉ tiêu cũng tăng cao. Chẳng hạn như: Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt chuẩn tăng từ 70% lên 85%, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 tăng từ 70% lên 100% (trong đó có ít nhất 1 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), có trên 70% dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước ít nhất từ 3 triệu đồng và đến năm 2025 là 53 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí của tỉnh và các địa phương đều rất hạn hẹp. Chính vì thế, cuối năm 2023, toàn tỉnh có tới 35 xã nông thôn mới không duy trì đảm bảo đạt chuẩn 19/19 tiêu chí.
Trước thực tế đó, năm 2024, ngành Nông nghiệp và các địa phương phối hợp triển khai nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí để đáp ứng yêu cầu cao hơn.
Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã đã khắc phục được tình trạng “rớt chuẩn”. Điều đáng mừng là chưa có xã nào thuộc diện phải thu hồi quyết định công nhận.
Trong 20 xã không duy trì được “phong độ”, có 7 xã đạt 18 tiêu chí, 6 xã đạt 17 tiêu chí, 2 xã đạt 16 tiêu chí và 5 xã đạt 15 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đảm bảo chủ yếu là về quy hoạch, giao thông, trường học, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều…
|
Mục tiêu tỉnh ta đề ra, đến năm 2025, toàn tỉnh có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, cùng với việc tập trung triển khai đưa các xã mục tiêu “về đích” nông thôn mới, thì việc củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã đã được công nhận xã nông thôn mới trong các năm trước theo tiêu chuẩn mới cũng là nhiệm vụ trọng tâm.
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, để xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương của tỉnh tập trung triển khai tốt giải pháp và nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội lực của nhân dân. Đồng thời, quan tâm cân đối, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, khắc phục “điểm nghẽn” về quy hoạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời năm bắt những khó khăn, vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp, góp phần tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
Việc thực hiện đạt chuẩn xã nông thôn mới đã khó, nhưng việc giữ chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn khó hơn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở trong chỉ đạo, đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp cùng với đó là tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng của người dân tại các địa phương.
Thiên Hương