Khắc phục khó khăn để phòng, chống bệnh bạch hầu

29/11/2018 18:05

​Tính từ đầu năm đến nay, cả tỉnh có 6 ổ dịch bệnh bạch hầu với 7 ca bệnh. Trong đó, 1 ca ở thôn 7, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà; 1 ca ở thôn Tê Pen, xã Đăk Trăm và 1 ca ở thôn Kon Đào I, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô; 2 ca ở thôn Đăk Hnăng, xã Đăk Tờ Kan và 1 ca ở thôn Đăk Plò, 1 ca ở thôn Tê Xô Ngoài, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông. Ngoài ra, tại ba huyện nói trên còn có 5 ca người lành mang trùng dương tính với bạch hầu.

Hiện nay, các ổ dịch bạch hầu ở các huyện: Đăk Hà, Tu Mơ Rông đã được khống chế, theo đó số bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu không tăng. Nhưng tại huyện Đăk Tô, số ổ dịch và người nghi mắc bệnh bạch hầu lại tăng cao.

KIểm tra công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu tại Trường THCS xã Đăk Rơ Ông. Ảnh: T.V.P

 

Bác sĩ Dương Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết: Trung tâm đã tổ chức giám sát công tác ứng phó với bệnh bạch hầu tại trạm y tế các xã Đăk Trăm, Kon Đào, Pô Kô, Tân Cảnh, thị trấn Đăk Tô của huyện và tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng cho trẻ em về tiêm vắc xin Quinvaxem đối với trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi, tiêm vắc xin DPT mũi 4 cho trẻ từ 18-48 tháng tuổi. Đồng thời, điều tra giám sát để phát hiện sớm trường hợp mắc mới, lập danh sách tiếp xúc gần, tổ chức lấy mẫu các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh mắc bệnh bạch hầu, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh đối với các ca tiếp xúc gần và kiểm tra lại việc điều tra ca bệnh, tiền sử tiêm chủng ca bệnh.

Trung tâm đã cấp thuốc kháng sinh Erythromycin để điều trị dự phòng tại ổ dịch các xã: Pô Kô, Văn Lem, Tân Cảnh, Đăk Trăm, Kon Đào, Trường Dân tộc nội trú huyện và thôn Đăk Rao Lớn của thị trấn Đăk Tô được hơn 20.100 viên; xử lý môi trường bằng Chloramin B 0,5% tại các trường học và 738 hộ gia đình xung quanh nhà có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu với 5.365 người dân được bảo vệ; triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin Td miễn phí cho đối tượng từ 7- 25 tuổi tại các xã có bệnh nhân bạch hầu. Trong đó, xã Đăk Trăm tiêm đợt 1 được 1.698 người, đạt 95,2% và tiêm đợt 2 được 1.256 người, đạt 70,4%; xã Kon Đào tiêm đợt 1 được 1.352 người, đạt 83,7%; Trường Dân tộc nội trú huyện tiêm đợt 1 được 314 em, đạt 95,7%; xã Pô Kô tiêm đợt 1 được 626 người, đạt 46,3%. Các xã như: Kon Đào, Pô Kô, Đăk Trăm và thôn Đăk Rao Lớn của thị Trấn Đăk Tô hiện đang triển khai tiêm vắc xin Td miễn phí. Ngoài ra, Trung tâm đã tiêm được 4.100 liều vắc xin Td dịch vụ cho người dân.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các ổ dịch, thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện việc khoanh vùng các ổ dịch, cách ly điều trị đối với các trường hợp bệnh xác định cũng như các ca bệnh nghi ngờ tại các cơ sở y tế theo quy định và triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin Td cho các đối tượng từ 7 - 25 tuổi tại các xã có ca bệnh để tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Trong đó, địa bàn có ổ dịch bạch hầu đều là các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, các đối tượng mắc bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng dân cư. Trong khi đó, vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, cộng với tập quán sinh hoạt tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số là môi trường dễ lây lan phát tán mầm bệnh, do đó khả năng lây lan dịch bệnh bạch hầu trong cộng đồng rất cao. Các đối tượng mắc bệnh bạch hầu ở nhóm tuổi lớn, nên hầu hết chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu do các yếu tố khách quan và nhóm đối tượng từ 49 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi không được tiêm vắc xin Td phòng chống bệnh bạch hầu.

Đặc biệt, công tác điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân bằng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu chưa triển khai được do không có nguồn thuốc. Hiện, Sở Y tế đã liên hệ với Công ty CP Y tế Đức Minh và đang làm các thủ tục nhập khẩu, dự kiến đến đầu tháng 12/2018 số thuốc này mới về Việt Nam để cung ứng cho các tỉnh có người mắc bệnh bạch hầu. Mặt khác, công tác triển khai tiêm chủng chiến dịch nói riêng và tiêm chủng mở rộng cho trẻ em nói chung gặp rất nhiều khó khăn, vì rất nhiều đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng không chịu tham gia tiêm chủng, gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác chống dịch.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, ngành Y tế tỉnh đề nghị người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu như: bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B-Hib, hoặc bạch hầu - ho gà - uốn ván, hoặc bạch hầu - uốn ván đầy đủ, đúng lịch. Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, giữ vệ sinh thân thể và mũi, họng hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế…

          Bài và ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác