Kết quả từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

27/09/2024 13:22

Thời gian qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi là Phong trào) trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở VH,TT&DL, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh cho biết: Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp đã được kiện toàn, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh để cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gắn với nhiều cuộc vận động và phong trào khác như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Đến nay, Phong trào được thực hiện hiệu quả đã góp phần xây dựng môi trường, đời sống văn hóa cơ sở trong sạch, lành mạnh. Trong đó, 5 nội dung và 7 phong trào cụ thể của Phong trào đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhiểu chương trình giảm nghèo, chính sách xã hội được duy trì và thực hiện tốt góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc. Ảnh: HT 

 

Nhiều hoạt động phong trào được các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh phát động thường xuyên, hiệu quả như: Giúp nhau làm kinh tế gia đình; xây dựng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ trẻ em, xây dựng công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc người già neo đơn, người khuyết tật, gia đình thương binh liệt sĩ; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; lập lại trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ.

Từ năm 2023 đến nay, Ban Vận động "Ngày vì người nghèo" 3 cấp đã phân bổ trên 5 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: hỗ trợ xây mới 107 căn nhà “Đại đoàn kết”; sửa chữa 6 căn nhà “Đại đoàn kết”; hỗ trợ 64 hộ khó khăn mở rộng phát triển sản xuất; khám chữa bệnh cho 18 gia đình; hỗ trợ 119 em học sinh nghèo, vượt khó; tặng trên 1 nghìn suất quà nhân ngày lễ, tết;  duy trì 58/102 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, 102/102 xã có ban bảo vệ trẻ em cấp xã.

Các các cấp chính quyền và các ngành chức năng chủ động lồng ghép các nội dung của Phong trào với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo nên “sự cộng hưởng” và lan tỏa mạnh mẽ đến từng khu dân cư. Nhiều mô hình điểm có ý nghĩa và hiệu quả tiếp tục được nhân rộng như: Khu dân cư thân thiện với môi trường; Vỉa hè thông thoáng; Đoạn đường an toàn, xanh - sạch - đẹp; Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội; Cụm dân cư an toàn, phòng, chữa cháy, an toàn thực phẩm; Mỗi tuần một việc tốt, mỗi tháng một điển hình; Thôn kiểu mẫu nông thôn mới.

Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở luôn được chính quyền và ngành chức năng quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng phục vụ, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần nhân dân.

Đến nay cơ sở vật chất nhà văn hoá có 733/756 công trình (đạt tỷ lệ 96,9%); 100% số thôn, tổ có khu thể thao; tổng số hộ đạt gia đình văn hóa là 122.182 hộ (đạt 87%); có 723 khu dân cư văn hóa (đạt 95%); có 957 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2027 (đạt 97,65%); số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33,3%; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 23,7%.

Quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho trẻ em vùng đồng bào DTTS. Ảnh: H.T 

 

Đặc biệt, gắn với các nhiệm vụ của Phong trào, việc xây dựng văn hóa giao thông, bảo đảm trật tự  an toàn giao thông tại địa phương được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện các tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nhiều thông điệp về văn hóa giao thông được đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả như: “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”; “Tính mạng của con người là trên hết”; “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”; “Không dùng tay sử dụng điện thoại di động khi lái xe”; “An toàn giao thông - Trách nhiệm của mỗi người”; “Không chở quá tải, quá số người quy định”; “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”; “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”; “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy”; “Chấp hành quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy nội địa”.

Với mỗi cách làm linh hoạt, sáng tạo khác nhau của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thực hiện Phong trào đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh ở từng lĩnh vực của đời sống. Qua đó góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, huy động nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc để phát triển hiệu quả kinh tế- xã hội.       

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác