Kết quả triển khai thực hiện chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2019

11/10/2019 06:08

Việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc thời gian qua đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được thể chế hóa và thực hiện trên thực tế các lĩnh vực của đời sống.

Xác định thực hiện Chiến lược công tác dân tộc là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phát triển toàn diện và bền vững vùng DTTS và miền núi, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 ban hành Chương trình thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 1285/KH-UBND, ngày 29/5/2014 triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Sau 5 năm (2014 - 2019) triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tập trung chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả Chương trình 135, chương trình 30a, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ giáo dục, y tế, văn hóa và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS; chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS… đã được tỉnh thực hiện có hiệu quả, qua đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng lên, từng bước khắc phục khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, hướng đến thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà người nghèo ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Ảnh: XB

 

Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp; các công trình, cụm công trình thủy lợi được sửa chữa, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; hạ tầng đô thị, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được chú trọng đầu tư. Giai đoạn 2014-2019, tỉnh đã huy động vốn đầu tư cho vùng DTTS từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hỗ trợ có mục tiêu (không bao gồm vốn CTMTQG) và vốn trái phiếu Chính phủ được 4.266,602 tỷ đồng, chiếm 57,5% so với vốn đầu tư cả tỉnh; bình quân bố trí 711,1 tỷ đồng/năm. Trong đó, đã thực hiện 104 dự án đường giao thông, 60 công trình giáo dục, 57 công trình y tế, 32 dự án thủy lợi, 22 dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, 2 dự án cấp điện và nhiều công trình khác…Tính đến nay, toàn tỉnh có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 20% tổng số xã toàn tỉnh, tăng 15 xã so với năm 2014.

UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững với tổng nguồn lực huy động giai đoạn 2014-2018 khoảng 6.168,6 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS giảm khá nhanh. Trong 3 năm (2016-2018) tổng số hộ thoát nghèo toàn tỉnh là 15.596 hộ, trong đó hộ DTTS là 13.894 hộ. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,05%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 30,89% vào cuối năm 2018), đạt 129,1% so với mục tiêu đề ra tại Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020. Một số huyện thực hiện tốt công tác giảm nghèo như: Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Plông, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum. Việc tập trung thực hiện chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện nghèo, xã nghèo được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, tạo điều kiện giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cao hơn gấp đôi so với mức giảm hộ nghèo bình quân chung của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà các đối tượng xã hội tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh: MT

 

Chính sách giáo dục và đào tạo được triển khai cho vùng DTTS đã và đang phát huy tác dụng, huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường. Đến nay, toàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia chống mù chữ, hoàn thành và duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở; 100% trung tâm cụm xã có trường trung học bán trú; trên 70% các thôn, làng có lớp học mầm non; trên 95% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được củng cố, mở rộng, tỷ lệ trường học kiên cố không ngừng được tăng lên. Toàn tỉnh hiện có 424 trường học các cấp, trong đó có 158 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 37,3%.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg cho 8.175 người lao động (trong đó có 7.607 người lao động là DTTS, chiếm 93,05%).

Tặng quà cho người có uy tín tại xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy). Ảnh: ĐT

 

Mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ ngày càng được nâng lên. Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp. Có 79,6% số xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8% (năm 2018); 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế; thực hiện tốt các chương trình, chính sách y tế đối với người dân. Việc phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập chất lượng được quan tâm. Công tác kiểm tra, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Qua đó, đồng bào các dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ, hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số… được thực hiện đầy đủ đã góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân; đảm bảo thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em và cho cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao chuyển biến tốt. Bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS và các di tích cách mạng từng bước được bảo tồn, phát huy. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc ở khu dân cư (18/11) và việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa được chú trọng. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 54/86 thư viện xã nông thôn, 97 tủ sách, phòng đọc cơ sở; 46/86 nhà văn hóa xã (25 công trình đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); có 792/874 nhà văn hóa- khu thể thao thôn, làng, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 90,6% tổng số các thôn, làng, tổ; có 440/617 làng đồng bào DTTS tại chỗ có nhà rông truyền thống, đạt tỷ lệ 71%; có 98.191/128.153 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 77% tổng số hộ; có 720/874 khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 82%; có 618/874 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 71%. Đã hỗ trợ người dân vùng DTTS trong việc xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chí Chương trình nông thôn mới. Hiện nay, tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87,5%; tỷ lệ người nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 69%; tỷ lệ số dân sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn quốc gia - QC 02 là 33,8%.

Báo Kon Tum được cấp phát về tận thôn, làng cho các thôn trưởng, già làng, người có uy tín. Ảnh: TN

 

Các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ người DTTS, nhờ đó đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh có 2.985 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, trong đó cấp tỉnh 652 người, chiếm 11,16%; cấp huyện 1.409 người, chiếm 14,69%; cấp xã 924 người, chiếm 46,71%.

Ngoài ra, các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân để nắm bắt, giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân; công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được tăng cường và đổi mới; lực lượng vũ trang thường xuyên phối hợp tổ chức thực hiện công tác dân vận ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; già làng, người có uy tín trong cộng đồng đã phát huy vai trò của mình. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào DTTS, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc thời gian qua đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được thể chế hóa và thực hiện trên thực tế các lĩnh vực của đời sống. Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND tỉnh xác định chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 1285/KH-UBND, ngày 29/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Hai là, tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng cơ sở, thông tin truyền thông, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo; có giải pháp giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất; đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ dân cư quản lý. Chủ động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, có giá trị kinh tế để hỗ trợ, vận động nhân dân đưa vào trồng, chăn nuôi gắn với tăng cường giải quyết đầu ra cho sản phẩm; động viên, khuyến khích đồng bào DTTS tích cực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, giao thông nông thôn vùng đồng bào DTTS đặc biệt được quan tâm đầu tư. Ảnh: TH

 

Ba là, tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ người DTTS; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục triển khai, từng bước đổi mới và nhân rộng các mô hình, điển hình các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/8/2016, của Tỉnh ủy (khóa XV) về “Tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới”. Chú trọng công tác phát triển đảng viên là người DTTS gắn với xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS để chủ động nắm chắc tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Thông qua các chính sách, biện pháp cụ thể, động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trần Thị Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Chuyên mục khác