Kết quả chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính

13/05/2023 06:07

Chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính có vai trò rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức và cá nhân. Thông qua chuyển đổi số, các thủ tục hành chính trở nên minh bạch hơn do thông tin được lưu trữ trên hệ thống điện tử, đảm bảo tính toàn vẹn và không thể bị thay đổi.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay, đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đã giúp làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu lớn phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Cải cách hành chính tiếp tục là điểm sáng. Ảnh: HỒNG LAM

 

Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành triển khai theo cơ chế một cửa quốc gia với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Nhằm tăng cường công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, đến nay, đã công khai 6.472 TTHC (tại bộ, cơ quan: 3.868 TTHC, tại địa phương: 1.395 TTHC và 1.753 TTHC của cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương).

Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đã được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/8/2022, là công cụ hữu hiệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc kiểm soát thực thi (“điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay), giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Một số địa phương đã tích cực khai thác Bộ chỉ số để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại địa phương mình như: Bình Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Kon Tum, Yên Bái.

Đối với tỉnh Kon Tum, tính đến quý I/2023, cấp tỉnh có 6.999 hồ sơ đã số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ khi tiếp nhận; cấp huyện có 4.877 hồ sơ đã số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ khi tiếp nhận.

Các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã đã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Hiện đã cung cấp 1.170 dịch vụ công toàn trình, 595 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.289/1.765 TTHC của tỉnh (đạt 73,03%)

100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành, trong đó, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 99%.

Triển khai Đề án 06,  đã triển khai cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, triển khai thực hiện 23/25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, phục vụ Nhân dân; các ngành đã chủ động xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành và triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến ngày 10/4/2023, đã thu nhận 426.055 hồ sơ cấp CCCD và 34.834 hồ sơ cấp định danh điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 24/4, UBND tỉnh giao các sở, ngành: Công an tỉnh, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động và kịp thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC đối với 2 nhóm TTHC thiết yếu tại Đề án 06, gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng tại địa phương.

Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo, điều hành các cấp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt việc không yêu cầu người dân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Từ đó giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân.

Trịnh Minh

Chuyên mục khác