Kết quả bước đầu trong hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19

10/07/2020 06:02

Tính đến ngày 15/6/2020, toàn tỉnh có 115.464 người thuộc các nhóm 1,2,4,5,6,7 được phê duyệt hỗ trợ chính sách với tổng kinh phí đã thực hiện chi hỗ trợ là 99,135 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 92,18% so với Quyết định UBND tỉnh phê duyệt là 107,546 tỷ đồng.

Ngay sau khi Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở ngành và các đơn vị liên quan triển khai việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tạm cấp 70% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng cho các địa phương với số tiền 166,307 tỷ đồng để thực hiện chi trả 1 lần kinh phí hỗ trợ 3 tháng cho các đối tượng: người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo. 

Ông A Kang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tính đến ngày 15/6/2020, đã có 10/10 huyện, thành phố tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát đối tượng thụ hưởng không để xảy ra tình trạng trùng lắp đối tượng (một người nhận 2 chế độ).

Chi tiền hỗ trợ đối tượng chính sách tại xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum. Ảnh: TN 

 

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 356/QĐ-UBND ngày 9/6/2020 phê duyệt bổ sung hỗ trợ cho 10 đối tượng thuộc nhóm 5 và 6 của huyện Ngọc Hồi với kinh phí hỗ trợ là 15 triệu đồng; nâng tổng số đối tượng thuộc nhóm 5, 6, 7 được hưởng là 115.121 người với tổng kinh phí thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 99,098 tỷ đồng; trong đó người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (nhóm 5) là 4.581 người với kinh phí hỗ trợ 6,866 tỷ đồng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng (nhóm 6) là 10.851 người với kinh phí hỗ trợ 15,135 tỷ đồng, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo (nhóm 7) là 99.636 người với kinh phí hỗ trợ 77,096 tỷ đồng.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực rà soát, tổng hợp số liệu hoàn thành việc chi trả cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian ngắn nhất. Tính đến ngày 15/6/2020, toàn tỉnh có 115.464 người thuộc các nhóm 1,2,4,5,6,7 được phê duyệt hỗ trợ chính sách với tổng kinh phí đã thực hiện chi hỗ trợ là 99,135 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 92,18% so với Quyết định UBND tỉnh phê duyệt là 107,546 tỷ đồng.

 Thực tế cho thấy, trong quá trình rà soát, xét duyệt, kiểm tra, lập danh sách chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch bệnh covid-19, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, với đối tượng người có công cách mạng, qua cập nhật thông tin để hoàn thành biểu mẫu theo yêu cầu, các đối tượng hầu như không có chứng minh nhân dân, hơn nữa nhiều đối tượng tuy chứng minh nhân dân đã hết thời gian (15 năm) khá lâu, nhưng vẫn không đi làm lại, do ở vùng sâu, vùng xa ngại đi lại, ngoài ra nhiều đối tượng kê khai năm sinh không khớp với năm sinh khi làm chế độ hưởng chính sách người có công.

Với đối tượng bảo trợ xã hội, qua cập nhật thông tin để hoàn thành biểu mẫu theo yêu cầu, phần lớn các đối tượng không có chứng minh nhân dân; các đối tượng trẻ em chưa đủ tuổi để làm CMND.

Trong quá trình lập danh sách khẩu nghèo, cận nghèo được hưởng hỗ trợ thì gặp khó khăn trong việc xác định những khẩu thực tế đã chuyển đi nơi khác, lấy vợ/chồng, tách hộ lập vườn nhưng chưa cắt khẩu hoặc không có mặt tại địa phương; trong quá trình chi hỗ trợ chính sách thì một số đối tượng lại quay trở lại địa phương và đề nghị được hỗ trợ. Theo đó, UBND cấp huyện, thành phố có thẩm định, trình và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt bổ sung. Việc thực hiện thẩm định hồ sơ của các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công (không đồng nhất về quy định hồ sơ, việc bổ sung hồ sơ của các đơn vị không đảm bảo về thời gian so với quy định thời gian của TTHC). Theo quy định, hồ sơ của TTHC so với thực tế không đảm bảo cho công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ (TTHC chỉ quy định duy nhất 1 đơn xin hỗ trợ nên không đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện việc hỗ trợ đúng người, đúng doanh nghiệp, công ty...). Vì vậy dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện công tác hỗ trợ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chậm so với quy định.       

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác