Kết quả bước đầu sáp nhập một số trường học ở thành phố Kon Tum

11/09/2019 06:03

Thực hiện Chương trình số 53-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, UBND thành phố Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong năm học vừa qua, thành phố đã thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập một số trường học trên địa bàn và bước đầu mang lại những kết quả tích cực...

Đến nay, Đề án sáp nhập một số đơn vị trường học trực thuộc UBND thành phố Kon Tum được triển khai rất nghiêm túc, theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra. Việc sáp nhập trường cơ bản nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các xã, giảm số lượng trường, tăng tỷ lệ học sinh mỗi trường, bảo đảm ổn định cho sự phát triển lâu dài, tăng khả năng tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả mọi người. Qua đó, công tác quản lý, điều hành ở các trường có nhiều cấp học đã được quan tâm thực hiện đảm bảo nền nếp và phát huy hiệu quả. Đến thời điểm này, số trường được sáp nhập đi vào ổn định.

Theo đó, trong năm học 2018 - 2019, thành phố Kon Tum tiến hành sáp nhập 3 trường Tiểu học với 3 trường Trung học cơ sở thành trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở phường Trường Chinh, phường Lê Lợi và xã Hòa Bình. Tháng 8 năm 2019, thành phố Kon Tum tiếp tục sáp nhập 5 trường Tiểu học với 5 trường Trung học cơ sở ở phường Nguyễn Trãi, xã Đăk Năng, xã Chư Hreng, xã Đăk Cấm và xã Vinh Quang. Như vậy, từ chỗ trên địa bàn thành phố có 73 trường công lập, hiện nay chỉ còn 65 trường công lập.

Theo kế hoạch, năm 2020 tiếp tục sáp nhập 6 trường Tiểu học với 6 trường Trung học cơ sở ở xã Kroong, xã Đăk Blà, xã Đăk Rơ Wa, xã Đoàn Kết, phường Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi và thực hiện thí điểm chuyển 3 trường Mầm non công lập thành trường Mầm non ngoài công lập gồm: Trường Mầm non Tuổi Thơ (phường Quyết Thắng); Trường Mầm non Hoa Anh Đào (phường Duy Tân) và Trường Mầm non Hoa Phượng (phường Quang Trung). Đến tháng 8 năm 2021, thành phố tiếp tục sáp nhập thêm 8 trường gồm Trường Tiểu học Phan Đình Phùng và Mạc Đĩnh Chi thành 1 trường và sáp nhập 3 trường Tiểu học với 3 trường Trung học cơ sở ở xã Ngọc Bay, xã Ia Chim và phường Thống Nhất.       

Trường Tiểu học - THCS Trường Sa (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Đào Duy Từ và Trường THCS Trường Sa. Ảnh: XB

 

Chia sẻ về hiệu quả lớn nhất mà đề án sáp nhập các đơn vị trường học mang lại, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Kon Tum Trần Việt Hùng cho biết: Việc sáp nhập các trường học trên địa bàn thành phố là rất cần thiết. Những năm qua, ngành Giáo dục- Đào tạo thành phố tích cực triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hiện tại, tổ chức bộ máy ở nhiều trường học còn cồng kềnh, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; số lượng người làm việc ngày càng tăng, hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế còn nhiều; chính sách tiền lương chưa hợp lý...

Trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học, ngành Giáo dục- Đào tạo thành phố xác định sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc sắp xếp lại các vị trí việc làm. Đối với chức danh kế toán, trước kia có 2 đầu mối kế toán thì nay giảm xuống chỉ có 1 đầu mối; đội ngũ văn thư, phục vụ cũng vậy, trước kia mỗi trường đều có đội ngũ văn thư phục vụ, nay phải rút lại. Vì vậy, sắp xếp như thế nào với những người được tinh giản phải đảm bảo hợp lý, hợp tình, tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và điều cơ bản là phải đảm bảo chất lượng hiệu quả hoạt động.

Đến nay, việc sáp nhập thành công bước đầu và được ghi nhận là các bước tiến hành bảo đảm chủ trương đề ra, tăng cường hiệu quả hoạt động; tinh giản được biên chế, giảm cán bộ quản lý, kế toán, văn thư...; thống nhất trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong các đơn vị trường, không còn chênh lệch trình độ giữa các đơn vị trường; tăng cơ hội học hỏi và chia sẻ giữa các thầy cô giáo. Bên cạnh đó, việc sáp nhập các đơn vị trường học còn góp phần tiết kiệm được nguồn ngân sách, không phải đầu tư cả một hệ thống nhà hiệu bộ...

Như vậy, thông qua việc sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ đã góp phần tinh giản tổ chức bộ máy, giảm dần nhu cầu bổ sung biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; từ đó giảm nguồn chi thường xuyên, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục, không ảnh hướng đến quá trình học tập của học sinh tại các trường mà chất lượng dạy và học được quan tâm và nâng cao hơn. Các trường nhỏ trở thành các trường lớn nên vấn đề sinh hoạt chuyên môn, hội thảo và các hoạt động phong trào được tổ chức quy mô hơn…

Việc sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum trong thời gian qua tuy mới bước đầu nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả và bình đẳng cho học sinh...

Bảo Châu

Chuyên mục khác