Kết nối cung - cầu lao động: ​Còn lắm cái khó

12/07/2018 07:04

​Thời gian qua, công tác cung ứng, kết nối tư vấn lao động giữa cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo, dạy nghề và doanh nghiệp vẫn thực hiện, nhưng chưa được thường xuyên. Điều này dẫn đến, kết quả tư vấn, tìm việc làm cho lao động ở địa phương chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.

Lao động khó tìm việc

Tháng 5 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức “Ngày việc làm lần thứ III” năm 2018, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Tại đây, chúng tôi gặp em Nguyễn Trung đã tốt nghiệp Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Trung tâm sự: Em tốt nghiệp chuyên ngành kế toán được 2 năm, đến nay vẫn chưa có việc làm ổn định. Em đến với ngày việc làm này, hy vọng có cơ hội tuyển dụng ở một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Tuy nhiên, theo Trung, hơn 1 tháng đăng ký cơ hội việc làm tại một doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh có quầy giới thiệu ở ngày hội trên, đến nay, em vẫn chưa có tín hiệu vui.

Tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm. Ảnh: M.T

 

“Trước đó, cán bộ tuyển dụng đã nhận hồ sơ cá nhân với đôi câu phỏng vấn: Lao động đã đi làm ở đâu, có kinh nghiệm công việc gì rồi ? Em thật tình nói có đi dạy thêm, làm tiếp thị các sản phẩm thức ăn chế biến sẵn ở Đà Nẵng khoảng 5 tháng. Em nghĩ có thể phía công ty này thấy kinh nghiệm thực tế của em không có, hoặc quá ít, nên không tuyển dụng mình” - Trung giãi bày.

Anh Lương Văn Hiếu ở huyện Kon Rẫy cũng tham gia đăng ký vị trí việc làm may gia công hàng xuất khẩu, của một công ty ngoài tỉnh tại ngày việc làm trên. Tuy nhiên, đến nay, Hiếu vẫn chưa được đơn vị này liên lạc lại.

Anh Hiếu nói: Tôi muốn có số điện thoại để trao đổi với phía cán bộ tuyển lao động của công ty để thương lượng, tìm hiểu thêm hoạt động liên quan. Song, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nói đơn vị chỉ nhận hỗ trợ tuyển người giúp. Tôi nghĩ như vậy là công tác kết nối cung - cầu lao động chưa tích cực, chưa giải quyết được nhiều việc làm cho lao động trẻ trên địa bàn thời gian qua là thế.    

Nguyên nhân

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 1.320 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; ở các địa phương có khoảng 232.640/300.890 người trong độ tuổi lao động đã có việc làm, còn lại 68.250 người chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định và tập trung vùng nông thôn (chiếm 70%). Tuy nhiên, mỗi năm, qua “Ngày hội việc làm” chỉ tạo thêm việc làm mới được cho khoảng 100 người.

Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (đơn vị trực tiếp tham mưu Sở LĐ-TB&XH về công tác kết nối, cung ứng lao động trong, ngoài tỉnh) cho biết, có nhiều nguyên nhân doanh nghiệp và lao động chưa có tiếng nói chung về đáp ứng cung cầu lao động. Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động có quy mô lớn vài trăm lao động thường “chuộng” nguồn cung lao động phải được đào tạo từ các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học hệ chính quy có uy tín trong nước, đạt chất lượng cao. Lao động phải có ít nhất một năm trở lên về kinh nghiệm chuyên môn lĩnh vực được tuyển dụng.  

“Hơn nữa, khi Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã kết nối người cần việc đúng tiêu chuẩn đưa ra cho nhà tuyển dụng như trên, thì phía lao động lại “chê” mức lương chi trả của doanh nghiệp thấp 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, chưa đủ nuôi sống cá nhân” - bà Nga nói.

Riêng các doanh nghiệp ngoài tỉnh tuyển dụng lao động ở tỉnh ta cũng có một số hạn chế gây lo ngại cho người dân, đó là thiếu thông tin doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trên các kênh truyền thông phản ánh có công ty tuyển người chưa chăm lo tốt cho người làm về chế độ nghỉ phép, bảo hiểm xã hội, y tế khiến lao động có tâm lý e ngại, không muốn đi làm xa nhà.

Trong khi đó, ở tỉnh ta, doanh nghiệp chủ yếu hoạt động vừa và nhỏ sử dụng nguồn lao động ít, thường từ 20 đến 50 người; năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế so với doanh nghiệp ngoài tỉnh và các chế độ ưu đãi về cuộc sống của người lao động hầu như không có. Do đó, lao động chưa thực sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, bà Dương Thụy Châu - cán bộ Phòng Hành chính tổ chức của Công ty XNK may gia công giày dép (khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai) thông tin, sau một tháng đưa ra thông báo tuyển dụng, mới có 20/1.000 vị trí việc làm được lao động địa phương đăng ký.

Bà Châu còn cho rằng, nhiều năm qua, công ty tuyển dụng lao động mới có nhiều khó khăn, rủi ro. Trong đó, trở ngại lớn nhất là lao động chưa đạt yêu cầu 100% chất lượng phục vụ công việc chuyên môn cần. Thế nhưng, do thiếu nguồn lao động, công ty vẫn cố gắng tạo điều kiện cho người làm mới vừa làm, vừa học việc. Thế nhưng, sau khoảng thời gian này, người làm đã quen việc, thì gần như họ rời đi làm ở nơi khác với lời hứa hẹn nhiều ưu đãi hơn.

“Ngoài ra, lực lượng chưa có việc làm ổn định vùng nông thôn là người DTTS có trình độ, tay nghề được đào tạo thấp và thiếu cả kỹ năng xã hội. Quá trình làm việc, họ lại khó thích nghi với tác phong làm việc công nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp ngại tuyển dụng lao động ở các địa phương vùng sâu, vùng xa là như thế” - bà Châu nói thêm.

Có thể nói, những nguyên nhân, hạn chế trên đã và đang khiến cho công tác kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh khó khăn. Vấn đề đặt ra, các sở, ngành cần có sự chủ động tham mưu tỉnh những giải pháp tích cực để nâng cao giá trị tay nghề, nguồn lực lao động tại chỗ đáp ứng cho nền kinh tế thị trường, sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mai Trâm

Chuyên mục khác