20/03/2020 13:06
Chuyện kể thời “vỡ đất"
Núi rừng Ia H'Drai sẽ không quên, người Ia H'Drai cũng sẽ không quên những người đi tiên phong trong hành trình đánh thức dải đất biên cương này. Trong đó có anh Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch đầu tiên của huyện Ia H'Drai.
Với tôi, những tháng ngày làm việc ở Ia H'Drai luôn vẹn nguyên và tươi mới trong trí nhớ. Đó là quãng thời gian có muôn vàn gian khó nhưng cũng tràn đầy hoài bão, tâm huyết và trách nhiệm - anh bộc bạch.
Cho nên, hôm nay, chỉ cần đôi câu trò chuyện, ký ức những năm tháng gian khó ùa về. Càng nghe, tôi càng cảm phục ý chí, nghị lực của những người đi vỡ đất năm nào.
Ấy là một ngày đầu tháng 11/2011, khi đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, anh Lộc được phân công phụ trách bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo Nam Sa Thầy của huyện. Với nhân sự gọn nhẹ nhất có thể (gồm 1 lãnh đạo, 1 Phó Chánh văn phòng, 2 chuyên viên, 1 lái xe), bộ phận thường trực cắt rừng nhằm hướng Mô Rai thẳng tiến. Nhiệm vụ chính là cùng với Ban Chỉ đạo Nam Sa Thầy của tỉnh khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, báo cáo Huyện ủy và Tỉnh ủy, để có cơ sở hoạch định những bước đi tiếp theo.
Đúng là lửa thử vàng. Khi ấy, đại ngàn Mô Rai (đang thuộc huyện Sa Thầy) hoang vu lắm, không có đường đi, lối lại, hiếm khi gặp bóng người. Bước chân đến nơi, ngay cả người lạc quan nhất cũng phải thấy ngán ngại. Chẳng ai dám mơ đến cái ngày vùng biên viễn này “lột xác”.
"5 anh em chúng tôi khăn gói lên đường. Khi ấy, núi cao rừng sâu ngăn lối, anh em toàn phải cắt rừng mà đi... Rồi bom mìn, chất độc hóa học thời chiến tranh còn sót lại. Có muôn vàn khó khăn, gian khổ, khiến những người can trường nhất cũng có lúc nản lòng" - anh Lộc kể.
Khi lên đường, không phải không có những băn khoăn. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là nhiệm vụ quá đỗi gian nan. Quốc lộ 14 C - tuyến đường huyết mạch - là đường đất, dốc cao thăm thẳm, cứ mưa xuống là lầy lội, vào không dễ mà ra lại càng khó; đi toàn đường mòn, chạy hun hút trong rừng, hiếm khi gặp bóng người. Đêm về mắc võng nằm rừng, anh Lộc và cộng sự luôn đau đáu trong lòng những câu hỏi: Đường xa dặm thẳm, thiên nhiên khắc nghiệt như thế, hoang vu như thế, sức người có trụ nổi không?
Nhưng rồi các anh đã vượt qua tất cả nhờ niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; được truyền lửa bởi quyết tâm đánh thức vùng biên giới Mô Rai của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; được thôi thúc bởi khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho miền biên viễn. Và trên tất cả, ấy là mệnh lệnh từ trái tim.
Trong ký ức của anh Lộc và những cộng sự không bao giờ quên được chuỗi ngày luồn rừng lội suối, vạch cây tìm lối để khảo sát, xác định các điểm dân cư đầu tiên, khởi đầu cho sự hình thành 3 xã Ia Đal, Ia Tơi, Ia Dom bây giờ. Dấu chân các anh đã in trên khắp các nẻo đường rừng, cheo leo bám trên vách núi hoang vu, lội qua những con suối lạnh buốt xương.
Chỉ sau một tháng miệt mài màn trời chiếu đất, các anh đã định vị được 68 điểm có thể bố trí dân cư, là cơ sở quan trọng để xây dựng quy hoạch dân cư của huyện mới Ia H'Drai sau này. Hôm nay, trên bản đồ Ia H’Drai, những điểm dân cư như “ngôi sao” tỏa sáng vùng biên được “kết nối” liền mạch, hài hòa và khoa học, chính là bắt nguồn từ những tháng ngày gian khó ấy.
Trong thời gian ngắn, các anh cũng hoàn thành khảo sát, nắm bắt tình hình về dân cư, mạng lưới giao thông, tình hình sản xuất của các dự án trồng cao su… Trên cơ sở đó, đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy xin chủ trương thành lập 9 thôn để phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư trên địa bàn và được tỉnh đồng ý.
|
Ngày 09/01/2013, UBND tỉnh giải thể Ban chỉ đạo Nam Sa Thầy của tỉnh để Huyện ủy Sa Thầy thành lập Ban chỉ đạo mới thuộc huyện; chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, tài chính, biên chế, nhân sự, tài liệu… của Văn phòng Ban chỉ đạo về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo mới do Huyện ủy Sa Thầy thành lập. Nhiệm vụ của các anh càng nặng nề hơn.
Bắt đầu chặng đường chạy đua với thời gian để hoàn thành núi công việc khổng lồ, trong đó đáng kể nhất là lập và trình đề án thành lập 3 xã Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal; xây dựng và trình đề án thành lập huyện Ia H'Drai.
Từ mông lung đại ngàn Mô Rai, hình hài huyện mới Ia H'Drai được những "kiến trúc sư" ngày ấy "vẽ" nên từ những "nét bút" đầu tiên là thành lập thôn, rồi thành lập xã (Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 20/12/2013 về việc thành lập 3 xã Ia Đal, Ia Tơi, Ia Dom). Cho đến ngày 11/3/2015, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 890/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập huyện, mất tròn 4 năm.
Đến bây giờ, nhiều người vẫn không thể lý giải nổi, động lực nào đã giúp các anh hoàn thành khối lượng công việc "khổng lồ" trong điều kiện vô cùng gian khó như vậy. Còn với anh Lộc và cộng sự, câu trả lời thật đơn giản, đó là xuất phát từ tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của một đảng viên, sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Những quyết sách đáng nhớ
Nếu như ở vùng thuận lợi, việc thành lập huyện mới khó một, thì với Ia H'Drai sẽ khó mười. Khi ấy, vùng đất này không điện, đường, không trường trạm. Thời tiết ở đây thì khỏi nói. Nắng, mặt trời như cái bếp lò, tỏa ra những quầng nắng hừng hực, mênh mang và chói chang. Mưa, bầu trời như cái túi nước nặng trĩu, đen thẫm, thỉnh thoảng lại vỡ, ào ạt tuôn nước xuống. Những khi không nắng không mưa thì oi nồng, quần áo mới giặt, khoác lên người, gió ào qua lại khô rang.
Trong điều kiện ấy, tất cả mọi vấn đề đều cần được tháo gỡ, được giải quyết. Vì vậy, phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn từng vấn đề theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, nhiều khi, những quyết sách lại được đưa ra từ tình hình thực tế và đem lại hiệu quả ngoài mong đợi.
Anh Lộc nhớ lại: Sau khi thành lập được các thôn, Ban Chỉ đạo xác định cần giải bài toán về giáo dục trước tiên. Sở dĩ có lựa chọn ấy là xuất phát từ thực tế, công nhân trồng cao su ở đây đều phải gửi con ở nơi khác do không có trường học, hàng tháng, khi nhận lương, vợ chồng lại đèo nhau đi gần trăm cây số để gửi tiển về nuôi con. Vì vậy, Ban Chỉ đạo quyết định đề xuất đưa giáo viên lên, mở trường lớp… Khi ấy, cũng có ý kiến "bàn ra", cho rằng, dân cư thưa thớt như vậy, lấy đâu ra học sinh?; có ý kiến cho rằng, cứ có dân đi đã, rồi bàn đến chuyện trường lớp cũng không muộn…
Nhưng anh Nguyễn Văn Lộc và cộng sự lại nghĩ khác, muốn người dân yên tâm lao động sản xuất, an cư lạc nghiệp thì phải lo chuyện học hành cho con em họ. Đề xuất ấy được tỉnh, huyện Sa Thầy chấp thuận ngay. Thế là việc lập trường lớp, vận động giáo viên lên bám làng dạy chữ được xúc tiến khẩn trương. Rất khó khăn để có thể mở được 3 trường, bởi nơi dạy học còn phải mượn, điện nước chưa có… Ngày khai giảng năm học đầu tiên giữa núi rừng, phụ huynh đông hơn học sinh (chỉ có khoảng 105 em ở cả 3 trường), có nhiều phụ huynh đã khóc vì xúc động. Tiếp theo giáo dục, khó khăn về y tế cũng được tìm hướng tháo gỡ, người dân không còn phải đi hàng trăm km để khám chữa bệnh thông thường.
Vấn đề hộ tịch hộ khẩu cho người dân cũng được ưu tiên xử lý nhằm giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Vướng ở chỗ, đa phần người dân là công nhân các nông trường, theo bên công an, phải có chỗ ở ổn định, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được nhập khẩu, trong khi bên cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng đất lại yêu cầu phải có hộ khẩu mới được giải quyết. Biện pháp được đưa ra, chỉ cần người dân có chỗ ở hợp pháp (có thể là thuê, mượn của nông, lâm trường…) sẽ được nhập khẩu. Và thực tế cho thấy, cùng với giáo dục, y tế, đây chính là quyết sách để lại dấu ấn đậm nét nhất trong sự phát triển ổn định của Ia H'Drai hôm nay.
Còn nhiều, rất nhiều công việc được giải quyết trong những ngày gian khó ấy, như phác thảo quy hoạch về dân cư; quản lý quy hoạch xây dựng; quản lý bảo vệ rừng; đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Đặc biệt, sau khi thành lập huyện, cùng với nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo huyện Ia H'Drai đã tính đến chuyện xin tỉnh cho chủ trương lập đề án phát triển quỹ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy nhạy bén.
Khi ấy, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc này không khả thi vì nhiều lý do, nhưng lãnh đạo huyện vẫn quyết làm. Sau khi được tỉnh đồng ý, huyện bắt tay vào lập quy hoạch chi tiết, xây dựng dự án trình HĐND huyện thông qua. Thực tế đã chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của dự án khi đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách huyện (đến nay đạt 140 tỷ đồng) để bố trí đầu tư phát triển mạng lưới đường giao thông, điện lưới quốc gia…, hiện nay vẫn đang được tiếp tục triển khai.
Phải khẳng định rằng, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình chính là sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và Huyện ủy - UBND huyện Sa Thầy. Những đề xuất của Ban Chỉ đạo đưa lên đều được xem xét nhanh chóng và đồng ý ngay nếu phù hợp.
|
"Chưa an cư" nhưng vẫn "lạc nghiệp"
Ngày 27/4/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 243/QĐ-UBND về việc chỉ định UBND lâm thời huyện Ia H’Drai (nhiệm kỳ 2011- 2016). Anh Nguyễn Văn Lộc được chỉ định giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND lâm thời. Ngay sau đó, cả guồng máy bắt đầu những ngày nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết nhất trí để ổn định tổ chức và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trên địa bàn; tổ chức quản lý tốt công tác quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường công tác an ninh trật tự trên địa bàn… tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ để tổ chức công bố huyện mới và Đại hội Đảng bộ huyện theo đúng lộ trình đề ra.
Tôi vẫn nhớ như in căn phòng làm việc của anh Nguyễn Văn Lộc tại "khu đóng quân" của UBND huyện Ia H'Drai - theo cách nói vui của anh em - vào cuối năm 2015. Khi ấy, huyện Ia H'Drai mới thành lập chưa đầy năm.
Đó là một căn phòng chật chội, được ngăn đôi, gian ngoài là cái bàn gỗ, vừa để làm việc và tiếp khách, một tủ đựng tài liệu, gian trong là một cái giường cá nhân, với chiếu, chăn màn đơn sơ. Chấm hết.
Mà đâu chỉ riêng phòng Chủ tịch huyện, từ lãnh đạo cao nhất là đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Bí thư Huyện ủy, đến lãnh đạo HĐND, UBND huyện, rồi trưởng các phòng ban, anh lái xe, cậu bảo vệ đều phải chia nhau mấy gian nhà của Ban Chỉ đạo Nam Sa Thầy (cũ), chỉ chừng vài chục mét vuông, kê mấy cái tài liệu to vật vã đã chật, ấy vậy mà còn 2-3 cái giường để đơn giản hóa cái sự ngủ. Hôm nào có khách quen, thì có người phải “di tản” đi nơi khác ngủ nhờ để nhường chỗ.
Hôm nay, cùng ôn lại những tháng ngày gian khó những tràn đầy nhiệt huyết ấy, anh Lộc rủ rỉ: Khi huyện mới thành lập, biên chế thiếu nhiều, có tới 6-7 tháng UBND huyện không có Phó Chủ tịch, chỉ có Chủ tịch nên phải "ôm" đủ thứ việc; mọi thứ khởi đầu gần như là con số không. Chúng tôi hiểu rõ mình cần phải làm gì. Trong điều kiện chưa “an cư”, tất cả guồng máy quản lý, chuyên môn ở Ia H’Drai vẫn phải nỗ lực để “lạc nghiệp”. Ăn, ở, làm việc- tất cả đều trong những căn nhà tạm, nhưng “bộ máy” của huyện đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện mới, vượt qua những mới lạ, bỡ ngỡ ban đầu để “vận hành” một cách trơn tru, nhịp nhàng.
Hăng nhất là “cánh” cán bộ trẻ. Cứ ngỡ khi phải đối diện với thực tế này họ sẽ nao núng, nhưng không ngờ lại thấy vui, thấy “bốc” mới lạ. Cuộc sống kham khổ, công việc ngập đầu, một người kiêm nhiệm 2 vị trí hay nhiều công việc một lúc là... bình thường, nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Tuổi trẻ hay thật, biết tách bạch giữa công việc và cuộc sống đời thường. Khó khăn, vất vả làm cho họ trưởng thành, vững vàng hơn - anh Lộc nhớ lại.
Ấy vậy mà lại hay. Ăn tập thể, ngủ tập thể, mọi người gắn bó với nhau hơn, phối hợp công việc cũng trôi chảy, nhịp nhàng hơn. Có những việc, ban ngày làm chưa hết, ban đêm làm tiếp, anh em ở cùng một dãy nhà, ới một tiếng là có mặt. Công việc là trên hết.
Cũng vì "công việc là trên hết" mà ngay trong năm 2016, Ia H’Drai đã có những thành công đáng khen ngợi. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 19,67 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất nhóm ngành Nông-lâm-thủy sản ước đạt 340,3 tỷ đồng; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 103,4 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện dần khởi sắc với 27 cơ sở kinh doanh, buôn bán ở 3 xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 5% so với đầu năm. Giáo dục phát triển nhanh chóng với 1.497 học sinh/92 lớp ở 7 trường (3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường Trung học cơ sở). Mạng lưới cơ sở y tế từng bước được củng cố, kiện toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân…
|
|
Những năm sau đó, Ia H'Drai tiếp tục vững bước đi lên, đạt những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực.
Không ai tin vào phép lạ, nhưng ai cũng tin rằng, sức lực, ý chí con người có thể làm nên những điều kỳ diệu. Những thành quả của ngày hôm nay, sự phát triển ổn định và bền vững hôm nay chính là điều kỳ diệu nhất mà Ia H'Drai đã làm được.
Ôn cố tri tân. Nhắc lại chuyện cũ thế càng thêm quý những gì đang có hôm nay. Thật vui mừng khi diện mạo huyện biên giới Ia H'Drai đang dần khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng không ngừng được cải thiện, nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường.
|
Theo anh Nguyễn Văn Lộc, tất cả là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết vượt qua gian khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ia H'Drai. Trong niềm vui chung ấy, bản thân anh càng thêm tự hào vì được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của huyện nhà.
Từ những ngày đầu gian khó, chúng tôi đã kiên trì bám trụ với vùng đất khó Ia H'Drai, chưa từng gợn lên suy nghĩ sẽ bỏ cuộc, bởi một niềm tin mãnh liệt về ngày vùng biên vươn mình. Và đến nay, trong trái tim tôi vẫn gửi trọn niềm tin về vùng đất Ia H'Drai- anh nhắn nhủ.
Thành Hưng
(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Lộc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)