24/08/2018 18:09
Nỗi lo đè nặng
Có trực tiếp lội trên những con đường ngập ngụa bùn, hay ngâm đôi tay trong chậu nước giếng đục ngầu ở thôn 3, xã Ia Đal (huyện Ia H'Drai) mới có thể thấu hiểu được những nỗi lo lắng của người dân trong những ngày này. Mưa tạnh, nắng lên, vừa vơi gánh nặng chạy lũ lại đối mặt với nỗi lo dịch bệnh.
Trưởng thôn Lê Văn Hào gầy rộc đi vì vừa bận việc nhà vừa lo việc thôn. "Mình phải lo điều tiết nhân công giúp đỡ các nhà neo người, theo các đoàn công tác của huyện, xã đi kiểm tra, rồi thống kê thiệt hại, lại phải lo chuẩn bị cho năm học mới. Cứ gọi là tối tăm mặt mũi đi ấy"- anh Hào phàn nàn.
Vào thời điểm này, công việc của gia đình anh Hào cũng đang bộn bề. Cơ ngơi của gia đình anh nằm dưới chân đồi, cạnh suối nên khi lũ tràn về cuốn phăng 2 ao cá (1 ao cá thịt, 1 ao cá giống mới thả); chuồng trại nuôi gà, heo cũng ngập trong nước.
Không riêng gì nhà anh Hào, ở thôn 3 có rất nhiều gia đình trắng tay sau mấy ngày mưa lũ. Nhiều người nói với tôi rằng, họ đã sinh sống ở đây hàng chục năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh người dân vùng biên giới này phải chịu những thiệt hại nặng vì mưa lũ như năm nay.
Bị dòng nước lũ cuốn trôi tài sản tuy có xót xa, nhưng điều anh Hào và bà con thôn 3 lo lắng hiện nay là chuyện nước sinh hoạt và nguy cơ dịch bệnh sau lũ. Ở đây, nguồn nước sạch sử dụng sinh hoạt chủ yếu lấy từ giếng đào, trong mấy ngày qua, không ít giếng bị nước lũ tràn vào, khi lũ rút thì nước giếng đục ngầu, không thể sử dụng được…
|
Để giải quyết tình thế, một số gia đình phải làm bể tạm bằng bạt để chứa nước mưa phục vụ ăn uống; một số gia đình thì đi xin nước từ những hộ ở nơi cao ráo, không bị ngập nước - anh Hào cho biết.
Bên cạnh đó là nỗi lo về vệ sinh môi trường. Những trận mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua gây ngập lụt nhiều nơi; bùn đất, rác, chất thải theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
“Mấy ngày nay, nhân viên y tế đã về thôn phun thuốc xử lý môi trường, rồi khử khuẩn giếng nước, hướng dẫn người dân ăn ở hợp vệ sinh; thôn cũng vận động bà con tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, bùn đất, thu gom và chôn xác gia cầm chết..., nhưng do xuất hiện một số người bị các bệnh về đường hô hấp nên bà con càng thêm lo lắng” - anh Hào nói.
Quyết không để dịch bệnh phát sinh
Đầu giờ sáng, tại Trung tâm Y tế huyện Ia H'Drai đã có khá đông người dân ngồi đợi đến lượt khám bệnh và lấy thuốc.
Bác sĩ Võ Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai cũng trực tiếp xuống trực ở phòng khám. Anh phân bua: Khá bận đấy. Ngoài việc khám, chữa bệnh tại Trung tâm, chúng tôi còn phải tổ chức lực lượng bám cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách sau mưa lũ.
Theo bác sĩ Quang, sau mưa lũ là thời điểm thuận lợi để phát sinh và lây lan các bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường tiêu hóa, đường hô hấp, bên cạnh đó, còn phải luôn cảnh giác, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ về sốt xuất huyết, sốt rét, quai bị.
"Dù điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn cả nhân lực lẫn vật lực, nhưng anh em quyết tâm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh phát sinh" - bác sĩ Quang khẳng định với tôi.
Nữ y tá đang chăm sóc cho một bệnh nhi đến từ thôn 8, xã Ia Tơi cho biết, mấy ngày nay có khá nhiều người đến khám, chữa các bệnh ngoài da, đường hô hấp, nhiều nhất là bệnh viêm họng cấp, trung bình mỗi ngày có 20-30 bệnh nhân đến khám, lấy thuốc; số bệnh nhân điều trị sốt rét và quai bị cũng tăng lên 5-7 ca/ngày, riêng bệnh về đường tiêu hóa thì mới ghi nhận 1 bệnh nhân bị tiêu chảy ở xã Ia Tơi.
Song song với việc đảm bảo khâu khám, chữa bệnh cho người dân, Trung tâm Y tế huyện còn cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã tổ chức công tác vệ sinh môi trường, với phương châm “nước rút tới đâu - vệ sinh môi trường tới đó”; tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại những vùng có nguy cơ; giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe nhân dân và dịch bệnh ngay từ cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ, ngập lụt.
Với sự giúp sức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 12/8 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức giám sát dịch bệnh chuyên đề ở xã Ia Đal - địa phương bị ngập lụt nặng nhất trong huyện. Qua đó, đã tiến hành phun hóa chất (30kg Cloramin B 0,05%, hoạt chất Clo) xử lý môi trường ở 397 hộ gia đình, 31 lớp học của 3 điểm trường tại 4 thôn xảy ra ngập lụt; khử khuẩn nguồn nước (giếng đào) cho 3 trường học và tất cả các các hộ gia đình ở 4 thôn bằng Cloramin B và hóa chất Clo.
“Chúng tôi vẫn đang tập trung thực hiện các biện pháp khử trùng, làm sạch nguồn nước cho bà con, xử lý vệ sinh môi trường và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sau lũ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn, kể cả nhân lực và vật lực, của chính quyền địa phương và người dân” - bác sĩ Võ Văn Quang cho hay.
Cũng theo bác sĩ Quang, hiện đang là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, bởi sau lũ, mật độ muỗi phát sinh cao, trong khi đó, việc phun hóa chất diệt côn trùng không đạt hiệu quả như mong muốn do gặp mưa, hóa chất mất hoặc giảm tác dụng. Vì vậy, các hộ gia đình ở nơi ẩm thấp cần phát quang, vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi đọng nước để ngăn ngừa muỗi sinh sản...
Thành Hưng