02/06/2019 15:44
Chiều 1/6, trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Điều khá bất ngờ là, dịch bệnh không xuất hiện ở thành phố Kon Tum hay huyện Kon Plông - những địa phương có lượng người và phương tiện qua lại nhộn nhịp trên các trục giao thông đầu mối với 2 tỉnh đã có dịch là Gia Lai và Quảng Ngãi, mà là huyện biên giới Ia H'Drai, nơi có tổng đàn lợn khá ít ỏi, chưa tới 2.000 con.
Trước đó, từ ngày 15/5, tại xã Ia Đal (huyện Ia H'Drai), đàn lợn của 6 hộ gia đình bất ngờ có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh. Ngay khi nhận được tin báo, huyện Ia H'Drai tập trung lực lượng triển khai công tác khoanh vùng chống dịch, đồng thời phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
Rất may là các mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh tả lợn Châu Phi. Như vậy là...“báo động giả”, anh em thở phào. Nhưng cũng vì thế mà áp lực phòng chống dịch càng đè nặng hơn, bởi chúng tôi hiểu rằng, nếu không cẩn thận, sớm muộn gì dịch bệnh cũng "ghé thăm". Tất nhiên là 14 con heo bị bệnh cũng đã được tiêu hủy - một cán bộ thú y kể.
Đến ngày 28/5, đàn lợn 43 con của Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) đứng chân trên địa bàn xã Ia Tơi có những dấu hiệu bất thường, đơn vị nghi bị dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Nhận được tin báo, lãnh đạo UBND huyện cùng các cơ quan chuyên môn đã xuống hiện trường kiểm tra trực tiếp; huy động lực lượng phối hợp với Chi nhánh 716 triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh; đồng thời báo với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xuống lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng V cho thấy, các mẫu bệnh phẩm lấy tại Chi nhánh 716 đều dương tính với vi rút bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ngay sau đó, đàn lợn bệnh được tiêu hủy.
Nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh thì khó xác định chính xác, bởi Ia H'Drai là huyện biên giới, hoạt động buôn bán giao thương khá nhộn nhịp, ngoài trục giao thông chính là Quốc lộ 14 C còn có rất nhiều đường ngang, lối tắt thông với tỉnh Gia Lai (địa phương có dịch bệnh trước đó) nên khó kiểm soát. Tuy nhiên, theo phán đoán của cán bộ nhân viên ở Chi nhánh 716, có thể là do không biết, mua trúng thực phẩm có mầm bệnh bên ngoài thị trường về chế biến phục vụ ăn uống, đã khiến vi rút dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào đàn lợn nuôi - ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho hay.
Đến ngày 1/6, huyện Ia H'Drai đã hoàn tất việc tiêu hủy 43 con lợn của Chi nhánh 716; khu vực ổ dịch được khoanh vùng, khống chế bằng các biện pháp như phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột theo đúng quy trình hướng dẫn ngành chức năng.
|
Điều đáng ghi nhận là các hộ chăn nuôi ở huyện Ia H'Drai, nhất là xã Ia Tơi, không tỏ ra hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh trước sự uy hiếp trực tiếp của dịch tả lợn Châu Phi, mà tập trung cao độ, phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện công tác phòng ngừa.
Gia đình ông Vi Văn N. thuộc diện có đàn lợn nhiều nhất xã, với hơn 10 con. Ngay sau khi được tin dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn, ông N đã chủ động mua hóa chất cùng số lượng lớn vôi bột về tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Không chỉ có ông Vi Văn N. nhiều gia đình cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà không cần sự nhắc nhở, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Ông N. chia sẻ, bản thân ông biết được rằng, cách phòng tránh dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả nhất là chủ động vệ sinh nơi ở và môi trường sống, phun thuốc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, không thực hiện mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh, thịt lợn nghi ngờ bị bệnh...
Hiện nay, huyện Ia H'Drai đang huy động tổng lực cho công tác chống dịch. Trong đó, tập trung theo dõi dịch, giám sát tình hình dịch bệnh đàn lợn đến tận hộ gia đình; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp lợn mắc bệnh, chết do bệnh hoặc nghi ngờ bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, không để lan ra diện rộng và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai Nguyễn Hữu Thạch, công tác phòng chống dịch bệnh vốn đã được thực hiện quyết liệt từ trước, khi dịch xuất hiện trên địa bàn, lại càng được triển khai ráo riết, quyết liệt hơn.
Cùng với việc khẩn trương ban hành sớm các văn bản chỉ đạo, phân công lãnh đạo trực tiếp kiểm tra tại địa bàn có dịch bệnh nhằm chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình dịch bệnh, đưa ra biện pháp phòng, chống kịp thời, UBND huyện Ia H'Drai kịp thời tổ chức huy động lực lượng phục vụ công tác khoanh vùng dập dịch, tiêu độc khử trùng chuồng trại...
Bên cạnh đó, UBND huyện cử cán bộ tham gia trực tại Chốt kiểm tra liên ngành đường bộ Sê San (giáp với tỉnh Gia Lai) để kiểm tra, phun hóa chất khử trùng các phương tiện ra vào huyện; lập chốt kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 14 C (thuộc địa bàn xã Ia Dom, giáp với xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) để ngăn chặn hoạt động vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng dịch.
Riêng trên tuyến tỉnh lộ 675 A thông đi huyện Sa Thầy, do điều kiện khó khăn về nhân lực, vật lực, huyện Ia H’Drai sẽ làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Sa Thầy đề nghị phối hợp, hỗ trợ lập chốt kiểm dịch động vật tại đây - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Thạch cho hay.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Thạch, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong triển khai đồng bộ các biện pháp, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn (không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn). Tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi chủ động vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng môi trường để tiêu diệt mầm bệnh.
Song song với nhiệm vụ trên, huyện Ia H’Drai chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc trực chốt kiểm dịch động vật liên ngành nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch...
HỒNG LAM