27/07/2019 05:59
Đã quá quen với mảnh đất Ia Chim nên một mình tôi trên chiếc xe máy cà tàng băng băng trên đường nhựa, rồi rẽ vào con đường bê tông, đến thẳng nhà rông thôn Plei Sar để gặp thôn trưởng A Khoan.
Vừa dừng xe, tay bắt chưa kịp chào hỏi câu xã giao, A Khoan liền “khoe” với tôi rằng, mấy hôm nay những người dân trước có tham gia vào các đợt tranh giành, lấn chiếm đất của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (gọi tắt là Công ty Cao su) đang ra viết cam kết không tái phạm với lực lượng chức năng. Trong thời gian trên, A Khoan luôn túc trực ở đó, vừa để động viên bà con, vừa để xem họ cần gì thì giúp đỡ.
Thôn trưởng A Khoan phân trần: Thực ra, do nhận thức của bà con mình còn hạn chế nên bị một số đối tượng xấu lợi dụng, kích động dẫn đến những hành động sai trái. Sau khi được các cấp, các ngành tuyên truyền vận động, giải thích cặn kẽ, dần dà bà con hiểu chuyện, ủng hộ chủ trương tái canh cây cao su trên khu đất 209,8ha. Một số đối tượng quá khích, lúc trước có những hành vi chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… bị cơ quan công an khởi tố, sau khi trở về đã biết ăn năn đến gặp già làng và Ban nhân dân thôn để nhận lỗi, xin được dân làng tha thứ và còn biết thuyết phục người thân, hàng xóm ra nhận lỗi.
Sau khi Công ty Cao su hoàn thành công tác tái canh, các gia đình trong làng hăng hái xin nhận đất, nhận tiền hỗ trợ và bắt tay vào xuống giống trồng xen canh các loại cây ngắn ngày. 48 thanh niên đủ điều kiện cũng đã viết đơn và được nhận vào làm công nhân của Công ty Cao su. Mọi người chăm chỉ làm ăn, tinh thần cũng phấn chấn lên hẳn.
Già làng A Lưih cho biết, hơn 2 năm qua là khoảng thời gian buồn nhất trong cuộc đời già, bởi một số bà con trong làng không nghe lời khuyên can, cứ tụ tập gây rối, bỏ bê ruộng rẫy và mọi việc trong gia đình. Vài tháng nay, lòng già vui trở lại, bởi bà con dân làng đã nhận ra điều tốt, điều xấu mà cố gắng làm ăn, đoàn kết, yêu thương nhau như truyền thống bao đời nay.
Già A Lưih chia sẻ: Thấy bà con đã biết sai, nhận ra lỗi của mình, cái bụng già ưng lắm. Dẫu vậy, ngày nào già cũng vẫn đến từng nhà, nhắc nhở dân làng là Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người dân, không bao giờ để mọi người phải chịu thiệt thòi. Mọi người phải tuân thủ theo chủ trương và pháp luật của Nhà nước; có mong muốn gì thì phải đề đạt lên với Ban nhân dân thôn, xã để họ trình lên cấp trên giải quyết. Già cũng bảo thanh niên trong làng, nếu có đủ điều kiện thì xin đi làm công nhân Công ty Cao su để có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình; mọi người tranh thủ nhận khoán chăm sóc, làm cỏ vườn cao su để có tiền lo cho con cái…
Để được tận mắt nhìn thấy sự thay đổi trong hành động của người dân làng Plei Sar, A Khoan dẫn tôi ra thăm khu đất 209,8ha mới được tái canh trồng cao su. Giữa những hàng cao su còn non, người dân cơ bản đã gieo trồng xong các loại cây ngắn ngày. Có đám đậu, bắp đã lấm tấm xanh tươi, có đám hạt giống mới nảy mầm non tơ.
Đang phun dở bình thuốc trừ cỏ để tra hạt bắp cho kịp thời vụ, nhưng A Đưh vẫn vui vẻ ngừng tay khi tôi hỏi chuyện và thẳng thắn bộc bạch: “Trước đây, do mình suy nghĩ nông cạn, nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời xúi giục nên mới làm những điều không đúng, giờ thì mình đã nhận ra cái sai rồi. May mà Công ty Cao su vẫn tạo điều kiện giao đất cho mình trồng xen canh để có thêm thu nhập. Nếu sau này, Công ty vẫn khoán làm cỏ, bón phân thì mình cũng sẽ nhận”.
|
Đối diện với khu đất trồng cao su là khu quy hoạch đất ở và đất nông nghiệp dành để cấp cho các hộ thiếu đất, giãn dân, tách hộ theo chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Ia Chim. Các con đường được san ủi phẳng lỳ, mốc giới được cắm rõ ràng phân chia rạch ròi chỗ dành để xây dựng công trình công cộng, chỗ để cấp đất ở, chỗ để cấp đất sản xuất…
Đang mải ngắm khu đất quy hoạch dân cư, A Khoan giới thiệu với Y Thái (làng Plei Sar) - người vừa được bốc thăm nhận đất. Chị Y Thái không giấu nổi niềm vui, phấn khởi: “Đơn xin giao đất của mình đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết. Vừa rồi, mình đã được bốc thăm nhận đất với số lô 188. Nhớ lại hơn 2 năm trước, mình khờ quá đã nghe theo người ta đi tranh chấp đất với Công ty Cao su tại khu đất 209,8ha với lầm tưởng được chia đều một phần trong khu đất ấy. Sau đó, nhờ cán bộ thôn, các chị phụ nữ tuyên truyền, mình mới biết là sai và không tham gia nữa. Mình còn bảo chồng viết đơn vào làm công nhân trong Công ty. 3 tháng nay, mỗi tháng chồng mình được nhận gần 4 triệu tiền lương, đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Theo báo cáo của UBND thành phố Kon Tum, sau khi xảy ra vụ việc người dân thôn Plei Sar, thôn Lâm Tùng tranh giành, lấn chiếm đất trái pháp luật tại khu vực 209,8ha và lô 15, 16 thuộc thôn Plei Sar (xã Ia Chim); Thành ủy Kon Tum, UBND thành phố kịp thời thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không tranh giành, lấn chiếm đất trái pháp luật. Đến nay, công tác tái canh trồng mới cây cao su của Công ty Cao su tại khu vực này đã hoàn thành; tâm lý, tư tưởng của nhân dân trên địa bàn ổn định, người dân đồng thuận.
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-UBND, ngày 06/3/2018 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất và giao đất cho UBND thành phố Kon Tum thực hiện Phương án giãn dân, tách hộ lập vườn theo chương trình nông thôn mới của xã Ia Chim, UBND thành phố đã xây dựng Phương án giao đất giãn dân tách hộ, lập vườn tại xã Ia Chim.
Ông Nguyễn Văn Điệu - Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Người dân thôn Plei Sar và thôn Lâm Tùng đã làm đơn xin giao đất, tổng cộng có 193 đơn. Cụ thể, theo danh sách niêm yết công khai các trường hợp được xét duyệt giao đất ở và đất nông nghiệp đợt đầu có 138 trường hợp; trong đó thôn Plei Sar có 90 trường hợp, thôn Lâm Tùng có 48 trường hợp. Tuy nhiên, qua 7 ngày công khai lấy ý kiến của người dân, Ban nhân dân 2 thôn và UBND xã Ia Chim rà soát lại thì có 10 trường hợp trong danh sách công khai đợt này còn có ý kiến khác nhau nên chưa tiến hành bốc thăm. Chính vì vậy, tổng số trường hợp đủ điều kiện giao đất được tham gia bốc thăm đến ngày 20/7/2019 là 128 trường hợp; có 1 trường hợp vắng không tham dự buổi bốc thăm giao đất nên chỉ còn 127 trường hợp bốc thăm.
Theo đó, có 94 hộ thuộc diện được giao đất ở và đất nông nghiệp do đủ điều kiện xét duyệt, diện tích giao mỗi hộ là 1.000m2, bao gồm 400m2 đất ở và 600m2 đất nông nghiệp; 34 hộ đủ điều kiện xét duyệt giao đất nông nghiệp với diện tích 600m2.
Hiện, còn 55 trường hợp (thôn Plei Sar 49, thôn Lâm Tùng 6) chưa đủ điều kiện xét duyệt giao đất. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát và xem xét giải quyết theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, trong thời gian tới, thành phố kon Tum tiếp tục tăng cường chỉ đạo các Tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân tại thôn Plei Sar và thôn Lâm Tùng chấp hành pháp luật, không tập trung đông người, kéo ra lô cao su để tranh giành, lấn chiếm đất, gây cản trở lực lượng làm nhiệm vụ - ông Nguyễn Văn Điệu cho biết thêm.
Rời Ia Chim, trong tôi còn đọng mãi những câu nói của thôn trưởng A Khoan lúc giúp tôi qua đoạn đường lầy vì mấy ngày mưa: “Sau cơn mưa trời lại sáng. Chắc chắn sau những sóng gió, sai lầm, người dân sẽ hiểu và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, chăm chỉ làm ăn để xây dựng cuộc sống ấm no, thôn, làng vững mạnh”.
Tôi tin điều anh A Khoan nói. Bởi, tôi đã nhìn thấy những bàn tay cần cù của người dân thật thà, chất phát thôn Plei Sar và thôn Lâm Tùng đang chăm chỉ gieo mầm xanh trên những mảnh đất vừa được chính quyền giao cho canh tác.
Thùy Hương