Huyện Tu Mơ Rông: Những khó khăn khi bước vào năm học mới

27/08/2018 07:05

​Tu Mơ Rông là một trong những huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh, đời sống kinh tế - xã hội ở nơi đây còn khó khăn về mọi mặt. Chính vì vậy, năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT huyện đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, lại thêm mưa lũ kéo dài gây sạt lở nặng ở nhiều nơi trên địa bàn vào trung tuần tháng 8 vừa qua, làm cho khó khăn càng gấp bội…

Năm học 2018-2019, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 34 trường; trong đó, có 11 trường mầm non, 11 trường tiểu học và 12 trường trung học cơ sở với  khoảng 7.600 học sinh, tăng khoảng 1.900 học sinh so với năm học trước.

Nhằm chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân cùng các trường chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp học, sửa chữa trường, làm lớp tạm, vệ sinh, làm hàng rào, cầu cống để đảm bảo an toàn cho học sinh chuẩn bị đến trường.

Công tác tuyên truyền vận động học sinh ra lớp; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho học sinh; chỉ đạo các đơn vị trường chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học mới như tổ chức vệ sinh trường lớp, vận động, huy động học sinh ra lớp cũng được ngành GD&ĐT huyện ráo riết triển khai nhằm bảo đảm sĩ số học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ đầu năm học.

Từ đầu năm 2018, ngành GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông đã triển khai đầu tư xây dựng mới 11 phòng học, 1 nhà hiệu bộ, 6 nhà công vụ; sửa chữa 15 phòng học, 2 sân trường, 2 hàng rào, 15 nhà vệ sinh và một số hệ thống nước sinh hoạt ở các trường học trên địa bàn...

Ông Lê Văn Hoàn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, mặc dù được sự quan tâm của huyện, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới, nhưng hiện tại cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm công tác dạy và học trên địa bàn. Hiện nay, nhiều trường của huyện vẫn thiếu phòng phục vụ học tập, phòng ăn, phòng làm việc và  thiết bị dạy học. Các điểm thôn thiếu hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại, công trình thể thao. Tại các trường phổ thông bán trú cơ sở vật chất phục vụ cho học sinh ở bán trú còn nhiều thiếu thốn như: thiếu phòng học, công trình vệ sinh, nước sạch, nhà ăn và thiết bị kèm theo…, nên việc tổ chức ăn, ở cho học sinh gặp nhiều khó khăn.

Ngành GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông đã và đang nỗ lực khắc phục những khó khăn, thiếu thốn để năm học 2018-2019 đạt những kết quả tốt nhất ngay từ khi bước vào năm học mới.

Trường Phổ thong dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông được trưng dụng để người dân di dời ở tạm. Ảnh: V.P

 

Thế nhưng, do tình hình mưa lũ kéo dài, nhất là vào trung tuần tháng 8 vừa qua đã gây thêm không ít khó khăn cho ngành GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông trong công tác triển khai năm học mới. Hiện nay một số trường học  trên địa bàn huyện vẫn chưa thể tập trung học sinh, như Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông và điểm trường thôn Tu Thó thuộc Trường phổ thông dân tộc tiểu học xã Tê Xăng. Cả hai trường này đang được trưng dụng để các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đất di dời đến ở tạm.

Chúng tôi đến Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông để tìm hiểu tình hình triển khai năm học mới và nhận thấy ở đây mọi việc đang bề bộn. Những phòng học của trường bây giờ được sử dụng làm nơi trú tạm của người dân ở làng Tu Mơ Rông - nơi có nguy cơ sạt lở núi đe dọa. Bên cạnh đó là một số phòng đang trong quá trình xây dựng.

Nhìn các phòng học đang xây, cô giáo Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông tỏ ra lo lắng: Giữa tháng 8, nhà trường ôn tập lại kiến thức cho học sinh, vừa tập luyện nghi thức chuẩn bị khai giảng năm học mới. Theo kế hoạch, đến 27/8 là tập trung học sinh về trường, sau đó tổ chức ăn ở cho học sinh bán trú. Vậy mà, do tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn nhiều vấn đề mới phát sinh nên thật khó chu toàn trong công tác triển khai năm học mới.

Cô Vân cho biết, năm học này, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông có 158 học sinh, thì có 100 em ở bán trú nên việc chuẩn bị bố trí bảo đảm “nơi ăn chốn ở” cho các em hết sức cần thiết. Các năm trước, học sinh ở làng Đăk Ka học tại điểm trường làng thường trốn học ở nhà phụ giúp gia đình nên ảnh hưởng chất lượng giáo dục. Năm học này, nhà trường quyết tâm đưa 30 em học sinh làng Đăk Ka sang bán trú nên chỗ ăn, ở đang bị động;  mặc dù trường đã xin được căn nhà gỗ dựng làm nhà ăn cho học sinh nhưng nay vẫn chưa dựng được vì trời liên tục mưa trong 3 tháng gần đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết: Hiện điểm trường thôn Tu Thó đang được tận dụng cho người dân ở tạm nên chưa thể triển khai việc học tập của học sinh. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đang đề nghị huyện gấp rút tìm giải pháp khả thi để di chuyển người dân đến nơi ở mới, trả lại trường học để nhà trường triển khai năm học mới.

Theo ông Lê Văn Hoàn, đối với 2 điểm trường được tận dụng làm nơi ở tạm cho người dân di dời thì rất khó có thể tập trung học theo đúng thời gian quy định. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tìm, chọn địa điểm an toàn, tổ chức san ủi mặt bằng để dựng nhà tạm đưa người dân ra ở để trả lại phòng học cho trường tổ chức khai giảng năm học mới.

Hiện nay, trời vẫn mưa, trên địa bàn lại đang sạt lở, việc đi lại khó khăn nên chắc chắn việc huy động học sinh ra lớp đang là trở ngại lớn của ngành GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông khi bước vào năm học mới.

Tuy vậy, với sự chuẩn bị chu đáo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự yêu nghề, tận tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông đang nỗ lực khắc phục khó khăn để khởi đầu một năm học mới “suôn sẻ”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới 2018-2019.

Văn Phương

 

Chuyên mục khác