Huyện Sa Thầy: Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

09/10/2019 13:01

Thông qua việc huy động và phát huy tín dụng xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách vay vốn giảm nghèo, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh... để giúp họ thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ổn định và phát triển.

Theo ông Rơ Châm Giáo – Bí thư Huyện uỷ Sa Thầy, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy Đảng, ngành, địa phương; huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng tín dụng để giúp dân sản xuất hiệu quả và nâng cao đời sống.

Để tìm hiểu việc thực hiện tín dụng chính sách, chúng tôi cùng với cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy về làng Khúc Na, xã Sa Bình. Ông A Chinh (người Hà Lăng) phấn khởi khoe: Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng theo diện hộ nghèo năm 2012, gia đình tôi mua 3 con bò sinh sản, đến nay phát triển lên 12 con. Sau khi trả vốn vay, năm 2015, gia đình tôi vay tiếp 50 triệu đồng để mở rộng đầu tư trồng, thâm canh 2,5ha cao su và 2,5ha cà phê.

Ông cho biết, không tính các khoản thu từ trồng mỳ, bời lời, hàng năm, gia đình thu lãi ròng 150 triệu đồng từ hai cây này. Nhờ vốn vay từ ngân hàng, kinh tế gia đình ông phát triển, 4 người con đều được đi học đại học.

Tại thôn Bình Trung, xã Sa Bình, tôi gặp chị Nguyễn Thị Lý và được chia sẻ: Với 50 triệu đồng vốn vay, gia đình chị trồng 3ha cao su, 1,5ha cà phê, nuôi 4 con bò... từ trồng trọt và chăn nuôi, hàng năm, gia đình chị thu lãi ròng khoảng 150 triệu đồng/năm. Sản xuất hiệu quả, gia đình chị Lý thoát nghèo và hiện có cuộc sống khá sung túc.

Ông A Chinh đang khai thác cao su vườn nhà. Ảnh: VN   

Khu tái định vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Plei Krông, thôn Đăk Wớt Yốp (xã Hơ Moong) là nơi có nhiều hộ DTTS nghèo vay vốn sản xuất khá hiệu quả. A Khuất – Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đăk Wớt Yốp chia sẻ:  Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng, gia đình mua bò về nuôi, đầu tư trồng cà phê và mua lưới đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Plei Krông. Cuối năm 2015, gia đình trả hết vốn vay và thoát khỏi hộ nghèo.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, huyện Sa Thầy đã trích ngân sách địa phương với số tiền 1,8 tỷ đồng, ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để bổ sung nguồn vốn vay cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân gửi tiền tiết kiệm hàng tỷ đồng vào Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Tính đến nay, tổng dư nợ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các đối tượng chính xã hội trên địa bàn vay là gần 300 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho 1.501 hộ vay giải quyết việc làm thoát nghèo, hơn 4.000 hộ vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; gần 400 em học sinh, sinh viên vay vốn học tập... Đồng thời, cùng với vốn từ các chương trình, dự án khác, huyện tạo điều kiện cho người dân phát triển hơn 3.500ha cà phê, cao su và cây dược liệu; nuôi hơn 6.000 con gia súc, gia cầm; xây dựng  3.822 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới và sửa chữa trên 200 căn nhà... Theo đó, đến nay, huyện Sa Thầy có 2 xã đạt nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 40,3% (năm 2016), giảm xuống còn 20,58% (năm 2018).

Phát huy hiệu quả nguồn tín dụng cho các đối tượng chính sách xã hội vay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.        

Trong quá trình cho vay và giúp dân phát huy hiệu quả đồng vốn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện không phát hiện hộ sử dụng vay sai mục đích, xâm tiêu tín dụng; hộ vay ý thức có vay, có trả, có tích lũy hàng tháng để trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Vì vậy, nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn chiếm tỷ lệ 0,16%/tổng dư nợ, dưới mức cho phép. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác