Huyện Sa Thầy: Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính

21/09/2019 13:05

Thời gian qua, huyện Sa Thầy được đánh giá tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng một chính quyền gần dân, phục vụ dân ngày càng tốt hơn...

Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Ở lĩnh vực cải cách thể chế, UBND huyện và các phòng ban đổi mới nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Từ khi Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 ra đời và có hiệu lực, các văn bản do HĐND - UBND huyện ban hành đều đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức và thể thức; đồng thời kịp thời nắm bắt các văn bản bị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Đối với các văn bản chịu sự tác động, phạm vi điều chỉnh rộng, HĐND - UBND huyện khi ban hành đều đăng tải đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của huyện.

Ở lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, UBND huyện ban hành nhiều kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC. Đồng thời, huyện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tuy nhiên đa số các tổ chức, cá nhân sinh sống gần trung tâm hành chính, có nhu cầu giải quyết TTHC thường liên hệ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện.

Trong quá trình thực hiện cải cách TTHC, UBND huyện thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại huyện, xã/thị trấn; ban hành quy chế hoạt động và tổ chức của bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND huyện.

Huyện niêm yết công khai các TTHC thuộc 11 lĩnh vực: Địa chính, môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công thương, chứng thực - hộ tịch, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thông tin, lao động - thương binh - xã hội, y tế, nội vụ. Ngoài ra, tại trụ sở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, các xã, thị trấn cũng thực hiện tốt việc niêm yết các TTHC để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện liên hệ công tác. Các quy trình, TTHC cũng được đưa lên Trang thông tin điện tử của huyện. 

Cán bộ một cửa Văn phòng UBND huyện Sa Thầy giải quyết TTHC cho nhân dân. Ảnh: QĐ 

Từ nhiều năm nay, 100% xã/thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Nhân sự làm việc tại bộ phận một cửa có thái độ giao tiếp nhã nhặn, lịch thiệp.

Ở lĩnh vực cải cách bộ máy có nhiều chuyển biến. Điển hình trong việc cải cách này, UBND huyện từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Thực hiện bài viết này, chúng tôi đến thăm Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện (được hợp nhất từ Trạm Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông) chỉ có 5 cán bộ, nhân viên; giảm 4 cán bộ, nhân viên khi còn các trạm. Mặc dù nguồn nhân lực ít, nhưng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện vẫn triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình khuyến nông; kiểm soát được dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. 

Lĩnh vực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được huyện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các kiến thức về kỹ năng như giao tiếp, đạo đức công vụ để phục vụ tốt cho việc thực thi công vụ.

Việc tuyển dụng công chức dựa trên nhu cầu, vị trí việc làm trong cơ quan hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trên cơ sở cân đối tổng số biên chế công chức được giao.

Ở lĩnh vực cải cách tài chính công, căn cứ các nghị định của Chính phủ quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, UBND huyện triển khai kịp thời các chính sách về tiền lương, tiền công đến các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, từ năm 2015 đến nay, các phòng, ban, các xã, thị trấn sử dụng tiết kiệm nguồn kinh phí tự chủ được giao để bổ sung thu nhập tăng thêm cũng như chi phúc lợi cho cán bộ, công chức và người lao động. 

Hiện đại hành chính công có nhiều chuyển biến đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ máy tính trang bị cho cán bộ, công chức ước đạt 100%; 100% đơn vị phòng, ban và UBND các xã, thị trấn triển khai mạng LAN kết nối internet. Các đơn vị trên địa bàn huyện đang thực hiện đồng bộ, liên thông gửi, nhận văn bản trên hệ thống điện tử (hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT Ioffice). Số lượng văn bản đến/đi được xử lý qua Ioffice trung bình trên 1.900 văn bản/tháng...

Nỗ lực trong việc cải cách hành chính trên địa bàn đang góp phần tạo ra những động lực cho địa phương tiếp tục phát triển mạnh hơn, đồng thời củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác