05/08/2019 06:00
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tiếp nhận và cấp phát hơn 6.200 liều vắc xin lở mồm long móng; hơn 5.500 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; 7.000 liều vắc xin cúm gia cầm và 7.000 liều vắc xin dịch tả lợn và phó thương hàn, tụ huyết trùng trên đàn lợn cho các xã, thị trấn.
Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, các điểm giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; chỉ đạo các chủ chăn nuôi khi có dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh trên đàn vật nuôi phải báo ngay với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để lây lan trên diện rộng.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch tả lợn Châu Phi, nhất là khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại làng Kơ Bei (Kà Bầy), xã Hơ Mông và đã có 190 con lợn bị mắc và tiêu hủy, huyện Sa Thầy duy trì 5 chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở các địa phương, thành lập thêm chốt kiểm dịch tại vùng giáp ranh giữa xã Hơ Moong và Sa Nghĩa để kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật; phun thuốc tiêu trùng khử độc các phương tiện lưu thông ra vào vùng dịch. Đồng thời thành lập các tổ, đội chống dịch hướng dẫn, vận động nhân dân chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy cũng chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và người tiêu dùng; rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đủ liều theo quy định.
|
Chị Quách Thị Tâm ở làng Điệp Lốc, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) cho biết: Ý thức trong công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng nên gia đình tôi thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn. Để gia súc, gia cầm có thể chống chọi, chịu đựng thời tiết bất lợi, tôi luôn chú ý vệ sinh kỹ chuồng trại, bằng các loại hoạt chất như: benkocid, virkon, vôi; bổ sung thức ăn tinh và xanh.... cho gia súc.
Theo bà Nguyễn Thị Luyến - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thì ý thức của người chăn nuôi là yếu tố quan trọng. Người chăn nuôi phải tuân thủ theo nguyên tắc phòng trước, chống sau. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở; ở đâu chính quyền địa phương vào cuộc mạnh ở đó công tác phòng chống dịch bệnh sẽ tốt hơn. Có như vậy mới giảm thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Ngành Thú y huyện Sa Thầy khuyến cáo, thời tiết mưa, nắng thất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm sức đề kháng của vật nuôi, vì vậy biện pháp hữu hiệu hiện nay là hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc; thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; khơi thông cống rãnh, không để nước tù, đọng; tổ chức phun thuốc sát trùng định kỳ, tốt nhất khoảng 2 tuần phun một lần; khi đàn gia súc có dấu hiệu của bệnh, tuyệt đối không được vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc mắc bệnh và phải báo ngay cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Với sự chủ động của các hộ chăn nuôi, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Sa Thầy đã và đang được thực hiện kịp thời góp phần tích cực vào việc duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn thịt thương phẩm cung ứng ra thị trường….
Thu Hằng