Huyện Ngọc Hồi: ​Những bất cập trong công tác cải cách hành chính

22/11/2017 07:19

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính và đã đạt được một số kết quả tốt. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết.

Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Hải (xã Đăk Nông) làm thủ tục tách sổ đỏ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con để làm nhà ở. Ông phải đi lại nhiều lần để kê khai, điền thông tin vào các biểu mẫu, chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp không có tranh chấp. Khi nhận được quyết định đồng ý cho chuyển nhượng của cấp có thẩm quyền, đã quá hạn hơn nửa tháng so với quy định.

Công dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Q.Đ

 

Vấn đề gây bức xúc đối với cán bộ làm đầu mối công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở địa phương là UBND huyện đã không phân khai rõ ràng trong Kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác hàng năm để chi hỗ trợ chế độ cho cán bộ (theo Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh quy định cán bộ, công chức là đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại UBND cấp huyện, cấp xã được hỗ trợ 15.000 đồng/người/ngày làm việc). Do vậy, từ năm 2013 đến nay, Phòng Tư pháp và UBND các xã, thị trấn chưa thực hiện chính sách này.

“Như vậy, trừ các ngày nghỉ, mỗi tháng có 22 ngày làm việc. Nếu thực hiện đúng Quyết định 43 của UBND tỉnh, cán bộ công chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính ở huyện Ngọc Hồi sẽ nhận được 330.000 đồng/người/tháng và mỗi năm sẽ có thêm 3.960.000 đồng...” – bà Huỳnh Thị Thanh San - Trưởng phòng Tư pháp huyện bày tỏ.

Bà San cho biết thêm: Ở huyện Ngọc Hồi, UBND huyện giao trách nhiệm cho Phòng Tư pháp làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Phòng còn làm thêm nhiệm vụ báo cáo, thống kê việc giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn huyện nên công việc rất nhiều nhưng những người trực tiếp làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính chưa được quan tâm giải quyết chế độ.

Lý giải về những bất cập, tồn tại trong công tác cải cách hành chính ở địa phương trong thời gian qua, ông Trần Văn Chí - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” còn chưa cao; nhiều thủ tục còn kéo dài, chậm trễ cho người dân.

Từ năm 2016 trở về trước, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đất đai chưa mang lại hiệu quả tích cực; quy trình và thời gian giải quyết của các cơ quan liên thông còn chưa khớp. Từ năm 2017 trở đi, việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai được giao cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện xử lý.

Ông Chí  cũng cho biết thêm: Năm 2016, UBND huyện đã duyệt chi cho Phòng Tư pháp huyện 70 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính ở các đơn vị, địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ công tác khác. Năm 2017, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trên là 80 triệu đồng. Riêng tại cấp xã, hàng năm UBND các xã – thị trấn sử dụng ngân sách hàng năm để chi cho các hoạt động của công tác cải cách hành chính. 

Khi được hỏi về việc huyện có thực hiện chính sách hỗ trợ cho cán bộ công chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện công tác cải cách hành chính theo Quyết định 43/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh hay không, ông Chí chỉ giải thích là ở cấp huyện có 2 người được hưởng (Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách khối và Trưởng phòng Tư pháp); ở cấp xã có 8 người làm công tác tư pháp được hưởng chế độ này.

Nguyên nhân đến những tồn tại trên, ông Trần Văn Chí cho rằng một số thủ tục hành chính mới được sửa đổi, bổ sung nên các xã chưa cập nhật kịp thời. Cơ chế “liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính ở lĩnh vực đất đai mới chỉ được triển khai thí điểm nên còn chưa hoàn thiện. Các cơ quan có liên quan trong cơ chế “liên thông” chưa thống nhất được một quy trình giải quyết cụ thể nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức xã đã lớn tuổi nên còn hạn chế việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành. Một số cơ quan chưa thực hiện kịp thời việc rà soát, đề nghị bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính phù hợp với các văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành. Hệ thống các thủ tục hành chính khá nhiều và thường xuyên biến động; một số cơ quan chưa chủ động chỉ đạo rà soát kiểm tra cập nhật thủ tục hành chính kịp thời...

Để làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, huyện đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để huyện và các xã, thị trấn hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại; tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức trực tiếp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008... Về phía UBND huyện cũng cần quan tâm thực hiện nghiêm túc Quyết định 43/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh để những cán bộ công chức đảm nhiệm công tác cải cách hành chính và làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính không phải chịu thiệt thòi.

Quang Định

Chuyên mục khác